CCB Trình Tự Kha (trái) và CCB Trần Thế Tuyển, trong một lần về khảo sát xây dựng Đền Liệt sỹ Long Khốt.
Báo tháng 9 - Từng là người lính xông pha trận mạc, nay trở về đời thường anh chỉ mong muốn gần 700 hương hồn liệt sĩ có một chốn để đi về… Và hơn 10 năm nay anh đã âm thầm thực hiện điều đó bằng những việc làm thiết thực để xoa dịu đi phần nào nỗi đau của gia đình đồng chí, đồng đội mình. Anh là CCB Trình Tự Kha.
Sinh ra ở vùng quê xã An Chấn, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, năm 1955, khi chưa tròn 5 tuổi anh đã theo cha mẹ tập kết ra miền Bắc. Tuổi thơ của anh là những chuỗi ngày theo cha đi công tác và sinh sống ở khắp các tỉnh thành từ Nghệ An, Thanh Hóa, đến Hà Nội, Quảng Ninh…
Năm 1967, khi học xong bậc PTTH anh được cử đi học đại học, chuyên ngành hóa học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp loại ưu anh trở về nước, lúc này - năm 1972 - đất nước ta đang bước vào giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Như bao chàng trai khác, anh quyết định gác lại mọi dự tính của bản thân xin vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng hành quân bộ trên đường Trường Sơn, anh có mặt ở mặt trận Long Khốt, Long An và được biên chế vào Trung đoàn bộ binh 174. Cũng tại chiến trường này, năm 1974, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Tháng 9-1976, anh chuyển ngành về, mang trình độ đã được đào tạo phục vụ đất nước. Từ Biên Hòa, anh về Duyên Hải (bây giờ là huyện Cần Giờ - TPHCM), rồi Vũng Tàu - Côn Đảo. Ở nơi nào anh cũng được cấp trên tín nhiệm, giao trọng trách và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tính tiền phong gương mẫu của người lính trong anh luôn được phát huy ở mọi nơi, mọi lúc.
Nay ngồi tâm sự với anh tại nhà riêng ở T.P Hồ Chí Minh, chúng tôi vô cùng xúc động khi anh luôn tâm niệm là sống thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Nghĩ tới biết bao đồng chí nằm xuống là động lực để anh phấn đấu thực hiện cho bằng được mơ ước của mình. Đó là xây dựng một nơi để hương hồn đồng đội có nơi, có chốn đi về; đây cũng là nơi để thân nhân của họ tìm đến; để thắp nén nhang tưởng nhớ; đồng thời là nơi để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về truyền thống của cha anh.
Ước mơ đó chính thức được đặt viên gạch đầu tiên vào năm 2006 - đúng 31 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, CCB Trình Tự Kha trở lại thăm chiến trường Long Khốt. Tại đây anh và một số đồng đội tâm huyết thầm nguyện tu bổ lại đền thờ liệt sỹ Trung đoàn 174 đã ngã xuống từ năm 1972 đến năm 1975.
Khó nhất lại là việc sưu tra để có được đầy đủ danh sách các liệt sỹ. Để tránh không sai sót, anh Kha đã liên hệ với Cục Chính trị - Quân khu 7 để xin danh sách chung, rồi đi đến mọi miền Tổ quốc tìm gặp đồng đội để kiểm chứng chính xác từng người trước khi khắc tên liệt sĩ vào bia đá...
Và rồi, trên tấm bia đá được đặt trang nghiêm trong ngôi đền liệt sĩ Trung đoàn 174 hôm nay bước đầu ghi danh được gần 700 đồng chí đã ngã xuống; con số này vẫn đang tiếp tục được sưu tra cho hoàn thiện. Sự cần mẫn hết lòng vì đồng đội đã được bù đắp xứng đáng khi ngôi đền Liệt sỹ Long Khốt chính thức được Nhà nước công nhận là khu Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Từng trải qua nhiều chức vụ ở cơ quan quản lý nhà nước, và sau này là Giám đốc doanh nghiệp, nhưng khi nói về đồng đội của mình đã hy sinh ở Long Khốt, là mắt anh Kha ngấn lệ… Trong tâm anh không muốn một đồng đội nào bị bỏ rơi, và đó là điều thôi thúc anh dồn hết tâm huyết vào tấm bia đá.
Anh Kha tâm sự: “Cứ mỗi lần đến Long Khốt, tôi thầm nghĩ, đáng lẽ mình đã có tên trong hàng bia mộ liệt sỹ. Nhưng mình lại còn sống. Còn sống thì hãy làm tất cả những gì có thể làm được để tri ân đồng đội, để xứng đáng với những người đã hi sinh vì Tổ quốc”.
Và điều đó đã trở thành hiện thực khi hơn 10 năm qua, CCB Trình Tự Kha luôn tích cực tham gia với vai trò của một Phó Ban liên lạc (BLL) Truyền thống CCB Trung đoàn 174, vận động các hoạt động văn hóa ở khu vực Long Khốt và cứ đúng ngày sinh của Bác - ngày 19-5 hằng năm, anh lại cùng BLL kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức trọng thể Lễ tưởng nhớ Bác Hồ và đồng thời cũng là Ngày giỗ chung cho các Liệt sĩ của Trung đoàn.
Đây cũng là dịp để giao lưu, gặp gỡ đồng đội... để cứ hãy nghe tin đồng đội mình ở đâu còn đang gặp khó khăn là anh lại tìm đến để sẻ chia, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Sự đồng cam, cộng khổ của anh với đồng đội trong thời chiến được thể hiện rõ trong từng trận đánh, thì nay thời bình lại được thể hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp.
Đồng đội với hơn 500 hội viên đến từ T.P Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai tin anh, luôn bên anh để cùng gánh vác những công việc chung.
Tại lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Trung đoàn 174, anh Kha vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Long An về thành tích vận động, đóng góp kinh phí thực hiện công tác an sinh xã hội ở huyện Vĩnh Hưng (nơi có di tích lịch sử Long Khốt). Còn tập thể BLL thì được Hội CCB T.P Hồ Chí Minh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong các hoạt động hướng về đồng đội từ năm 2014 - 2019.
Gần cả một đời theo Đảng, anh luôn tâm niệm mình làm được một việc tốt, người khác làm được một việc tốt... góp lại là để xã hội này ngày một tốt đẹp hơn. Đó là thiết thực góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ kính yêu trong Di chúc, trước lúc Người đi xa.
ĐỨC TRỌNG