CCB Phan Văn Quyến (bên phải) đã giúp 20 người thoát nghèo.
Những CCB, cựu quân nhân (CQN) làm nghề nuôi tôm công nghệ cao, trồng rau sạch, mua bán thức ăn thủy sản… trên địa bàn T.P Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu được tập hợp trong Câu lạc bộ CCB sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) để cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế vừa được thành lập.
Sau khi rời chiến trường Campuchia, từ Nam Định, CCB Nguyễn Văn Hoạt xuôi về miền Nam sinh sống và đến năm 2000 thì dừng ở Bạc Liêu lập nghiệp bằng nghề nuôi tôm. Trải qua không ít lần thất tôm, giá cả bấp bênh, chuyển địa bàn và phương pháp canh tác, từ quảng canh, công nghiệp đến công nghệ cao ứng dụng năng lượng mặt trời, giờ đây ông Hoạt đã ổn định sản xuất tại ấp Giồng Nhãn A (xã Hiệp Thành, T.P Bạc Liêu). Với 4ha nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng năng lượng mặt trời, mỗi năm 3 vụ nuôi, bình quân gia đình ông Hoạt thu hoạch 60 tấn tôm. Thu nhập cao, ông Hoạt thường hỗ trợ các CCB khác vốn liếng làm ăn, giúp họ có điều kiện nuôi con ăn học.
Cũng tại xã Hiệp Thành, CCB Nguyễn Văn Dành - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Xóm Lẫm có cuộc sống tương đối ổn định nhờ trồng rau sạch. Giá rau thơm mà thương lái thu mua tại rẫy dao động từ 6.000-10.000 đồng/kg, hơn nữa đây là loại rau màu trồng một lần thu hoạch được 3 lần, ít tốn chi phí nên cho thu nhập tốt. Rau ông trồng được thương lái chuộng là do sử dụng phân hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với CCB Phan Văn Quyến (xã Vĩnh Trạch, T.P Bạc Liêu), những năm 2000, xã có chủ trương chuyển đổi mô hình từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp nên ông đã xây 4 hồ ương tôm giống để bán. Với nghề kinh doanh tôm giống, ông Quyến thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Năm 2005, việc bán tôm giống không thuận lợi, ông Quyến chuyển sang bán thức ăn tôm, thuốc thủy sản, mua thêm đất nuôi tôm, trồng lúa. Với cách làm này, nguồn thu của gia đình ông tăng lên gấp đôi, giúp 10 lao động địa phương có việc làm, trong đó có 7 hội viên CCB. Ngoài ra, ông luôn chia sẻ kinh nghiệm cho các gia đình trong vùng kinh nghiệm nuôi tôm; hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại, kể cả khoanh nợ cho hộ nuôi tôm. Từ sự giúp đỡ của ông Quyến, 20 hộ gặp khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Những nông dân như ông Hoạt, ông Dành, ông Quyến… được Hội CCB T.P Bạc Liêu tập hợp trong Câu lạc bộ để cùng nhau vươn lên khá, giàu. Đi vào hoạt động từ cuối tháng 10-2020, với 15 thành viên, do ông Nguyễn Văn Nhứt - Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố làm Chủ nhiệm. Đây là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại, hộ gia đình CCB, CQN và các thành viên liên kết làm chủ; là mô hình Câu lạc bộ CCB SXKD thứ hai, ra đời sau mô hình của Hội CCB tỉnh Bạc Liêu. Thành viên Câu lạc bộ không những liên kết giúp nhau phát triển kinh tế mà còn giúp đỡ nhiều hội viên khác có việc làm, hỗ trợ trong điều kiện có thể, như: ngày công, cây, con giống, phân bón, tiền vốn không tính lãi để sản xuất... Ngoài ra, chăm lo gia đình chính sách, hội viên CCB khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Hội CCB thành phố đang phấn đấu xóa 10 hộ cận nghèo thì Câu lạc bộ cũng quan tâm cùng Hội CCB tạo công ăn, việc làm, đỡ đầu một số hộ CCB thoát cận nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Nhứt, Câu lạc bộ quy tụ, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn lực của các hội viên CCB, CQN và thành viên liên kết tham gia hoạt động SXKD theo đúng quy định của pháp luật. Hỗ trợ tư vấn cho thành viên, cung cấp thông tin kinh tế thị trường, giá cả để thành viên CLB có kiến thức, tổ chức, đầu tư mở rộng SXKD, lồng ghép các dự án phát triển kinh tế phù hợp với chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Câu lạc bộ đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, tăng hộ khá, giàu cho CCB, CQN thành phố.
Nguyễn Quốc