Mũ bảo hiểm là vật dụng gắn liền với mỗi người khi đi xe máy ra đường nhưng vật dụng này ít khi được giặt và làm sạch, lại thường được tiếp xúc với không khí bụi bẩn, không vệ sinh đúng cách hoặc dùng chung mũ… là một trong những nguyên nhân viêm da đầu, hại tóc. Theo các chuyên gia y tế, đội mũ hằng ngày làm tăng tiết bã nhờn, tăng đổ mồ hôi là điều kiện lý tưởng cho gầu và nấm phát triển, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ngứa da đầu, ảnh hưởng đến sức khỏe tóc và da đầu, nên rất cần vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên phơi nắng mũ bảo hiểm để diệt khuẩn, khử mùi.
Với mũ có lớp lót tháo lắp được: Tháo bỏ lớp lót và đệm rồi giặt tay, hay cho vào máy giặt đều được. Phần vỏ mũ lấy khăn ẩm, nhỏ vài giọt dầu gội lên lau sạch. Với các lỗ thông gió có thể dùng nước ấm, tăm bông để rửa. Những nơi không dùng được tay lau rửa thì dùng bàn chải mềm, bàn chải đánh răng làm sạch.
Với mũ lớp lót dính liền, không thể tháo rời vệ sinh: Tháo bỏ đệm má, miếng lọc bụi, kính chắn gió... Xịt nước để loại bỏ bụi bẩn trước khi giặt bằng hỗn hợp nước ấm - dầu gội đầu pha sẵn. Nước ấm giúp dầu và chất bẩn dễ trôi. Dầu gội không gây hại cho da đầu. Ngâm lớp lót xốp vào thau khoảng 10-15 phút, dùng bàn chải đánh răng chải sạch bụi bẩn rồi xả bằng nước ấm. Phần vải đệm và quai mũ có thể giặt sạch bằng xà phòng, rồi ngâm nước xả vải cho mềm và thơm hoặc dùng dầu gội đầu để giặt sạch.
Để ngăn ngừa nấm tấn công da đầu nên:
- Phơi khô mũ mới đội để tránh vi khuẩn sinh sôi, mũ “bốc mùi”. Không đội mũ khi tóc ướt để tránh sinh nấm.
- Đi mưa về lau khô mũ hoặc sấy khô cả quai và trong mũ. Càng nắng nóng càng phải giặt mũ.
-Người đã bị viêm nang lông, vảy nến, á sừng… không nên cho người khác dùng chung mũ để tránh lây bệnh. Bình thường cũng nên tránh đội chung mũ. Hạn chế dùng thuốc xịt mũ, nhất là người có cơ địa dễ dị ứng.
- Cất mũ nơi khô thoáng để tránh nấm mốc sinh sôi.
- Nên mua mũ bảo hiểm tốt. Hai đến 3 năm thay mới một lần. Không dùng một mũ bảo hiểm quá 5 năm.
Vũ Minh