Bác sĩ Phạm Thành Luân thăm, khám cho bệnh nhân.

Nghề y luôn bận rộn, căng thẳng và đầy áp lực nhưng Đại úy, Bác sĩ Phạm Thành Luân, Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) luôn có bí quyết để tạo tâm lý thoải mái giữa bác sĩ với bệnh nhân và luôn trưởng thành với nghề.

Trong chiếc áo blouse trắng, người bác sĩ trẻ vừa mang nét giản dị, nghiêm trang của anh Bộ đội Cụ Hồ, vừa là nguồn cảm hứng mang đến niềm hy vọng, sự lạc quan vào cuộc sống cho bệnh nhân ung thư và niềm hạnh phúc cho những người thân của họ.

Nụ cười là phương thuốc quý

Trời chập choạng tối nhưng tại phòng trực của Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175, Đại úy, Bác sĩ Phạm Thành Luân vẫn đang trò chuyện, tư vấn cho người bệnh. Ban ngày, anh đang đi học cao học ngành ung thư tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nên khoảng thời gian nào không học, anh dành để tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân tại trung tâm. Trò chuyện với Luân, chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp ở ánh mắt hồn hậu chan chứa tình thương, nét nhân văn và y đức tỏa sáng của một lương y Bộ đội Cụ Hồ. Anh là một trong những bác sĩ được bệnh nhân tin tưởng và tìm đến nhiều nhất ở trung tâm này. Họ tìm đến anh không chỉ vì anh giỏi chuyên môn mà còn bởi cách anh tiếp xúc với bệnh nhân thật giản dị, ân cần, chu đáo và nụ cười luôn thường trực trên môi.

Điều trị ở trung tâm được vài tháng, cô Lê Liên Hương, ngụ ở quận 10, TP Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt với bác sĩ Luân. Cô Hương tâm sự: “Bác sĩ Luân chăm sóc tôi và các bệnh nhân như người thân trong gia đình. Hễ gặp bác sĩ Luân, dẫu ai có đang đau cũng sẽ nở nụ cười. Bác sĩ Luân trẻ và rất thông minh, chịu khó học hỏi. Bất kỳ khi nào bệnh nhân có câu hỏi đột xuất thì bác sĩ Luân đều trả lời thấu đáo. Điều trị ở đây, tôi thấy bệnh tình đã tiến triển tốt. Bệnh tật thì không ai muốn nhưng vào trong này mới nhận ra, áp lực dành cho bác sĩ là quá lớn, nhất là với bệnh nan y, ung thư, sự sống càng mong manh hơn. Bác sĩ Luân đã tạo ra bầu không khí vui tươi, ai cũng như người nhà với nhau đã giúp bệnh nhân thêm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống”.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động đáng để kể ra về Đại úy Phạm Thành Luân nhưng để hình thành nên phong cách, y đức của anh hôm nay chính là sự gắn bó sâu sắc với người bệnh. Anh kể, khi còn thực tập ở Bệnh viện K (Hà Nội), anh tình cờ gặp một nữ bệnh nhân rất đáng thương. Bệnh nhân này sáng sớm vẫn đi bán rau ngoài chợ rồi mới vào viện để truyền dịch. Gia cảnh khó khăn nên bà đi một mình, tự lo mọi chuyện vậy mà lúc nào cũng tươi cười, lạc quan. Bác sĩ Luân đã ân cần thăm hỏi, trò chuyện động viên và chăm sóc bà. Qua đó, bác sĩ Luân quen thêm và giúp đỡ nhiều bệnh nhân khác. Anh nói: “Qua những bệnh nhân này, tôi được hiểu thêm nhiều kiến thức, triệu chứng, tác dụng phụ mà sách vở đề cập chưa hết hoặc bài học chưa thể truyền tải. Hành trang sau khi tốt nghiệp của tôi có rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Quan trọng hơn, tôi hiểu rằng, cần dành thời gian trò chuyện, tiếp xúc bệnh nhân ung thư nhiều hơn và tạo tiếng cười như là phương thuốc quý”.

Cách đây 5 năm, bác sĩ Luân gặp bà Trương Thị Liệu (80 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị ung thư xoang hàm giai đoạn 4. Bà có bảo hiểm nhưng do sống một mình, bà gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại cũng như chi phí điều trị. Cảm thương hoàn cảnh của bà, bác sĩ Luân đã trích một phần lương để giúp đỡ và dần dần kết nối được một nhà hảo tâm lo lắng, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Cứ như vậy, định kỳ 3 tuần, một người cháu chở bà Liệu xuống trung tâm gửi lại bác sĩ Luân. Mỗi lần gặp nhau như bác sĩ Luân ân cần hỏi thăm bà, cười nói rôm rả. Bà Liệu dường như đã quên đi những cơn đau do bệnh tật.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Đại úy, Bác sĩ Phạm Thành Luân năm nay chỉ mới 33 tuổi nhưng đã có gần 7 năm công tác tại Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175. Luân được nhiều đồng nghiệp biết đến như một “cây sáng kiến” trong đơn vị và mỗi đề tài, sáng kiến, ý tưởng mới của anh đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh, góp phần xoa dịu nỗi đau cho những người không may mắc các chứng bệnh hiểm nghèo. Với Luân, sự sáng tạo vì mục đích chăm lo người bệnh là không bao giờ có giới hạn.

Trong quá trình làm việc, bác sĩ Luân nhận ra tình trạng không ít bệnh nhân ung thư phải bỏ dở việc điều trị theo phác đồ xạ trị do đau đớn từ việc bị viêm loét niêm mạc miệng. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh thực hiện sáng kiến “Đánh giá tình trạng viêm loét niêm mạc miệng ở bệnh nhân hóa xạ đồng thời ung thư vùng đầu cổ”. Đây cũng là sáng kiến anh tâm đắc nhất. Theo dó, trong quá trình xạ trị cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ sẽ điều trị nâng đỡ, giảm đau bằng cách dùng oxy cao áp, giúp người bệnh giảm viêm loét niêm mạc miệng, có thể thực hiện hết những đợt xạ trị. Như thế, cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh được nâng lên. Việc áp dụng sáng kiến này giúp giảm thời gian chăm sóc, điều trị từ một tháng xuống khoảng 10 - 15 ngày.

Anh Luân chia sẻ: “Tôi nhận thấy khi xạ trị cho các bệnh nhân ung thư vùng đầu, cổ thì họ rất dễ bị tác dụng phụ làm viêm loét niêm mạc khiến người bệnh đau và bỏ cuộc giữa chừng để đi tìm phương pháp điều trị khác. Vì thế tôi đã tìm hiểu và đề xuất lãnh đạo cho ứng dụng thêm cách điều trị nâng đỡ giảm đau để người bệnh tiếp tục điều trị, cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh được nâng lên”. Sáng kiến của bác sĩ Luân đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư đầu cổ, có ý nghĩa thực tiễn đối với đơn vị và chuyên ngành xạ trị ung thư.

Dấu ấn của Luân càng được thể hiện rõ với đề tài “Vai trò của PET/CT trong chẩn đoán và điều trị ung thư di căn hạch cổ chưa rõ nguyên phát”. Với nghiên cứu này, mỗi người bệnh đến bệnh viện điều trị ung thư đã giảm được chi phí điều trị 5 - 7 triệu đồng, giảm thời gian chẩn đoán điều trị 4 - 5 tháng. Đề tài đã giúp ích trong ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào chẩn đoán và điều trị nhóm bệnh khó khăn trước kia, giúp chữa trị hiệu quả cho nhiều người mắc bệnh ung thư. Cũng trong quá trình công tác và cọ xát thực tế, gặp rất nhiều hoàn cảnh bệnh thương tâm, còn chủ trì nhiều đề tài sáng kiến khác, như: “Đánh giá hiệu quả xạ trị các khối u tế bào mầm hệ thần kinh trung ương”, Sinh thiết xuyên thành các khối u vùng ngực - bụng dưới hướng dẫn phần mềm định vị Tumor- LOG và hệ thống cố định thân Bodyfix; Đánh giá thực trạng sử dụng opioid giảm đau cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Quân y 175; Sử dụng bơm tiêm tự động duy trì morphin liên tục, giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn điều trị tại nhà… Những sáng kiến trên mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, hiệu quả về thời gian lao động, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân, qua đó xây dựng uy tín của trung tâm.

Đại tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Đào Tấn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175 nhận xét: “Bác sĩ Phạm Thành Luân là một trong những bác sĩ trẻ giỏi về chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Điểm nổi bật ở người bác sĩ này là tâm lý ứng xử, tiếp xúc bệnh nhân rất tốt. Nhất là luôn ham học hỏi, đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong công việc, gương mẫu trong các phong trào thi đua của bệnh viện, trung tâm. Chúng tôi rất an tâm, tin tưởng khi giao việc cho bác sĩ Luân”.

Hành động vì cái tâm

Không chỉ giỏi chuyên môn, giàu y đức, bác sĩ Luân còn tích cực tham gia nhiều phần việc xã hội mang ý nghĩa sâu sắc khác. Anh trực tiếp đề xuất, sáng lập chương trình kết nối yêu thương ủng hộ người bệnh nghèo, giúp nhiều bệnh nhân đủ kinh phí vượt qua bệnh tật bằng thùng từ thiện đặt tại trung tâm. Định kỳ, anh cùng chi đoàn mở thùng từ thiện, công bố số kinh phí nhận được và hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Hai năm qua, chương trình đã hỗ trợ hàng chục lượt bệnh nhân. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Luân cùng các bác sĩ của trung tâm đã mở các thùng từ thiện, giúp đỡ kinh phí một số bệnh nhân ung bướu về quê ăn Tết và các bệnh nhân đón Tết tại trung tâm, làm ấm lòng người bệnh. Đồng thời, trong thời khắc giao thừa, đã thành thông lệ, Ban Giám đốc Trung tâm luôn ân cần thăm hỏi, động viên, tặng quà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải ở lại bệnh viện điều trị.

Bác sĩ Luân còn giữ vai trò kết nối, vận động trực tiếp các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ theo địa chỉ người bệnh thật sự đang cần giúp đỡ tại trung tâm. Nhờ vậy, nhiều người bệnh đã vượt qua được bệnh tật, sống khỏe sống có ích cho xã hội. Anh tâm sự: “Là bác sĩ, ai cũng muốn chữa hết bệnh cho bệnh nhân dù có là bệnh rất nặng. Với ung thư, dù không điều trị khỏi thì cũng phải kéo dài sự sống tốt nhất có thể cho bệnh nhân. Không thể nhìn bệnh nhân có thể chữa bệnh mà phải đi về vì không có tiền chữa bệnh. Trước đây, cứ nghĩ ung thư là dấu chấm hết nhưng hiện nay, y học phát triển mạnh, kết hợp với chủ động phát hiện sớm thì có thể can thiệp kịp thời. Thực tế, có những ca ung thư thanh quản, vòm hầu khi phát hiện sớm, xạ trị có thể ổn định bệnh. Tôi rất cảm ơn tấm lòng của nhiều nhà hảo tâm luôn hỗ trợ, đồng hành với tôi và giúp nhiều bệnh nhân được hưởng niềm vui trong cuộc sống”. Nói rồi, anh chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động khi những bệnh nhân nhờ có anh kết nối hỗ trợ kinh phí, họ đã vượt qua bệnh tật. Thỉnh thoảng, họ quay lại trung tâm thăm anh và đóng góp một phần nhỏ bé vào chiếc thùng từ thiện để giúp đỡ những bệnh nhân còn khó khăn. Có bệnh nhân quê ở Phú yên, làm nghề đánh cá, mỗi lần bắt được con cá ngon đều gửi tặng bác sĩ Luân.

Bác sĩ Phạm Thành Luân còn là thành viên đi đầu trong Hội từ thiện Mười Thu, Hội Thiện Duyên (hoạt động tại Bệnh viện Quân y 175) tổ chức duy trì bếp ăn từ thiện với 400-600 suất/ngày tại bệnh viện, thường nấu ba ngày trong tuần. Anh cũng tham gia tư vấn sức khỏe, khám bệnh người có công, gia đình chính sách ở phường 3, quận Gò Vấp là địa bàn bệnh viện đứng chân. Không chỉ vậy, anh là Phó bí thư Chi bộ, Bí thư liên Chi đoàn Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu. Nhiều năm liên tục, anh là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua”. Năm 2015, anh vinh dự nhận Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Nói về những dự định tương lai, Đại úy Phạm Thành Luân tâm sự: “Mình là Bộ đội Cụ Hồ khoác áo blouse mà, dù ở vị trí công tác nào cũng phải vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Luôn hành động từ cái tâm trong sáng, hết lòng vì người bệnh là tâm nguyện hàng đầu của tôi. Nụ cười, niềm hạnh phúc của người bệnh khi bệnh tình thuyên giảm chính là động lực thôi thúc tôi cống hiến nhiều hơn nữa. Bản thân còn trẻ, còn cống hiến được cho cộng đồng thì hết sức mà làm, đó là cách làm theo Bác thiết thực nhất mà tôi thấy mình có thể”. Chính sự quan tâm, sẻ chia của bác sĩ Luân cùng các bác sĩ trung tâm đã tạo động lực giúp người bệnh vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật. Những việc làm của bác sĩ Luân làm ngời sáng thêm lời Bác Hồ căn dặn các thầy thuốc “Lương y phải như từ mẫu”.

Hùng Khoa