Tưởng chỉ sai phạm trong “thổi” giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á thông qua chi phần trăm cho Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng. Nhưng không phải.
“Theo chân” cảnh sát điều tra của Bộ Công an thì sự việc còn trở nên rất phức tạp, thậm chí có dấu hiệu của tội lừa đảo, lợi ích nhóm nằm ở một số cá nhân, tập thể, đang từng bước được các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ.
Điển hình như Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), ngày 26-4-2020, công bố trên website của Bộ, bài viết với tiêu đề "Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận"; đồng thời, Bộ này còn gửi thông cáo báo chí và phát ngôn chính thức tại các cuộc họp có liên quan kể cả của Chính phủ và trong Bộ KHCN.
Nhưng thực tế thì không phải như Bộ KHCN công bố. Ngay từ ngày 20-10-2020, WHO đã công bố công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là không được chấp nhận và không đủ điều kiện để vào chương trình mua sắm của WHO.
Khi sự việc vỡ lở, ngày 20-12, Bộ KHCN mới gỡ bài viết khỏi trang web. Tại sao Bộ KHCN lại gỡ? Theo VTC, ông Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các Khối ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KHCN trả lời, thừa nhận là "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit xét nghiệm này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng", chứ không phải "chấp thuận sử dụng"(!).
Nghĩa là cơ quan bảo vệ pháp luật phải tách vụ án, điều tra riêng về chất lượng của bộ kit xét nghiệm. Nếu đúng chất lượng của bộ kit xét nghiệm không bảo đảm như công bố của WHO thì tính chất của vụ án lại càng nghiêm trọng hơn.
Chắc chắn sai phạm không chỉ dừng lại ở Bộ KHCN, mà sẽ còn ở nhiều Bộ, ngành, cá nhân khác có liên quan, như Bộ Y tế, Học viện Quân Y... Nhất là Ngành Y tế, liên tiếp những sai phạm, từ vụ nâng khống giá vật tư ở CDC Hà Nội, Bệnh viện Tim, Bệnh viện Bạch Mai; các Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La... và giờ là vụ nâng giá kit của Việt Á.
Mà “trao quyền” nghiên cứu, sáng chế một sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, đòi hỏi vừa nhanh, vừa an toàn, trong điều kiện “nước sôi, lửa bỏng” như kít xét nghiệm Covid-19 cho một công ty không có “thước đất cắm dùi”, phải thuê nhà xưởng mặt bằng có hơn 10m2 chỉ để treo biển công ty thì đúng là vừa trêu ngươi “thanh bảo kiếm” loại “thù trong”; vừa xúc phạm vào giới khoa học cả nước thật!
Tất nhiên, trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phi đạo đức này, những người phạm tội sẽ phải hầu tòa, chịu hình phạt của pháp luật. Nhưng còn người đứng đầu của các cơ quan có tổ chức, cá nhân vi phạm thì sao?
Lâu nay, kể cả trong Điều lệ Đảng, cũng như trong Luật Công chức vẫn quy định trách nhiệm liên đới của người đứng đầu, nhưng quy định vẫn còn ít hiệu quả. Để quy trách nhiệm, đồng thời cũng là “mở lối” cho cán bộ từ chức, ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, gồm 4 Chương, 12 Điều.
Tại Chương 2, Điều 7 quy định: Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, căn cứ vào một trong các trường hợp sau: “1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; 2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; 3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng”.
Chiểu theo quy định trên, thì vụ “nâng kít giá xét nghiệm” chắc sẽ có những “người đứng đầu” hoặc là bị miễn nhiệm, hoặc là được tổ chức “cho từ chức”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 22-12-2021, yêu cầu Bộ Công an nhanh chóng mở rộng điều tra, thu hồi tiền bạc đã bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước; sớm đưa vụ án Công ty Việt Á ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật; đồng thời yêu cầu các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, chính quyền các địa phương… phối hợp rà soát quy trình đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch, chấn chỉnh tình trạng này, chống thất thoát tài sản, tiền bạc của Nhà nước, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Trong trường hợp này cũng không ai muốn phải miễn nhiệm, từ chức, nhưng vì danh dự, nhân cách của mình mà tự giác xin từ chức trước, cũng phần nào lấy lại niềm tin của nhân dân không chỉ với cá nhân mình, mà còn với Đảng và Nhà nước.
Không tự giác xin từ chức e bẽ bàng hơn, dân chỉ tên, bảo “loại công chức nói một đằng, làm một nẻo”!
Nhật Huy