Khoảng 150 người, trong đó có 8 nghị sĩ quốc hội, đã có mặt trên nhóm đảo tranh chấp được gọi là Senkaku theo tiếng Nhật và Điếu Ngư theo tiếng Trung, lúc bình minh, sau khi đi tàu từ Ishigaki, tây nam Nhật Bản. Họ dự định cắm cờ Nhật Bản trên điểm cao nhất của đảo.

Một tàu tuần duyên Nhật Bản đã bắc loa, kêu gọi các nhà hoạt động "Không neo đậu. Hãy rời khỏi đảo".

Chính trị gia Tokyo Eiji Kosaka tuyên bố trên một con tàu rằng những người tham gia phải lên đảo, bất chấp sự cấm đoán từ chính phủ. "Chúng tôi muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc", ông nói.

Trước chuyến đi, ông Kenichi Kojima, một chính trị gia địa phương từ Kanagawa, cũng tuyên bố "Tôi muốn cho cộng đồng quốc tế biết rằng nhóm đảo này là của chúng tôi. Tương lai của Nhật Bản đang bị đe dọa".

Nghị sĩ Keiko Yamatani thì nói rằng hầu hết các nước đều công nhận chủ quyền của Nhật Bản với Senkaku/Điếu Ngư nhưng thêm rằng "chuyến đi này sẽ giúp tăng cường nhận thức của cả thế giới".

Một người tham gia khác cho biết các nhà hoạt động và các chính trị gia muốn đi bộ đến một trong những đảo nhỏ thuộc nhóm đảo tranh chấp, hát quốc ca Nhật Bản và tổ chức ăn uống tại đây. Một số người trên tàu đang cố gắng dùng cần câu để kiếm bữa sáng tại vùng biển dồi dào cá này. Các nhà tổ chức cũng nói trước chuyến đi rằng họ sẽ tổ chức một lễ tưởng niệm những người đã chết trong Thế chiến II.

Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Tokyo quanh vụ việc này.

"Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản ngay lập tức dừng các hành động làm tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc", thông báo của Bộ Ngoại giao nước này cho hay. "Trung Quốc nhắc lại rằng bất kỳ hành động đơn phương của Nhật Bản liên quan đến nhóm đảo đều là bất hợp pháp và không hợp lệ".

Vụ việc trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Tokyo trục xuất 14 nhà hoạt động của Trung Quốc tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư. Họ trở thành những người nước ngoài đầu tiên đặt chân lên nhóm đảo do Nhật Bản quản lý kể từ năm 2004.

Hãng thông tấn Trung Quốc* Xinhua* đưa tin hàng trăm người đã tổ chức biểu tình tại thành phố phía tây Tây An phản đối việc Nhật Bản bắt giữ các nhà hoạt động. Thời báo Hoàn cầu sau đó hoan nghênh việc Tokyo trả tự do cho nhóm người Trung Quốc nhưng cho rằng cuộc tranh chấp với Nhật Bản đã đi quá xa.

Quỳnh Anh (TH)