CCB Chế Trung Hiếu (đứng giữa) và hai cựu binh Hoa Kỳ.

Câu chuyện về từ bức ảnh sân bay Biên Hòa đã giúp khai quật 153 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong đêm 31-1-1968 tại sân bay Biên Hòa mãi là biểu tượng đẹp trong tiến trình khép lại quá khứ, hướng tới tương lai mà những người lính cựu của hai phía Việt Nam - Hoa Kỳ cùng chung tay bồi đắp.

Đam mê chụp ảnh, CCB Chế Trung Hiếu là người sáng lập Câu lạc bộ ảnh panoramio Hải Phòng (câu lạc bộ những người chụp ảnh toàn cảnh, ảnh địa danh). Những bức ảnh địa lý trên trang Panoramio là “cầu nối” giữa CCB Chế Trung Hiếu với các cựu binh Mỹ, viết nên câu chuyện cảm động về việc tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Nhờ có vốn tiếng Anh tốt, ông Hiếu nhận được điện thoại từ kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng - một người bạn cùng chung đam mê chụp ảnh ở T.P Hồ Chí Minh, nhờ dịch lời bình luận bằng tiếng Anh dưới bức ảnh về sân bay Biên Hòa được ông đăng trên trang web panoramio.com từ nhiều năm trước. Lời bình luận của cựu binh người Mỹ có tên Robert Conner, nhắc đến trận chiến đấu ác liệt năm 1968 tại sân bay Biên Hòa với nội dung: “Nếu bạn nhìn lên về phía con đường, nơi có chỗ rẽ phải, tại ngay ngã ba đó, đơn vị Quân cảnh số 3 - một trong các lực lượng quân đội Mỹ bảo vệ sân bay Biên Hòa - đang làm nhiệm vụ phòng thủ tại lô cốt Hill 10. Tại đây đã xảy ra trận chiến vô cùng ác liệt, khi chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân bắt đầu. Sau khi trận đánh kết thúc thì chúng tôi chôn xác những người lính Việt Cộng ở trận địa ở phía cuối đường băng…”.

“Vừa dịch xong, tôi vô cùng xúc động và lòng dâng trào niềm hy vọng đây có thể là manh mối giúp tìm kiếm đồng đội đã hy sinh” - ông Hiếu tâm sự.

Bằng linh cảm của người lính, CCB Chế Trung Hiếu lập tức gửi thư điện tử cho ông Robert Conner. Trong bức thư đầu, ông nhắc đến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được cải thiện tốt đẹp và đề nghị ông Robert Conner đánh dấu vị trí mộ trên tấm ảnh.

Qua các cuộc trao đổi, ông Robert Conner chia sẻ, những năm tháng tham gia chiến tranh ở Việt Nam khiến ông luôn bị ám ảnh bởi ký ức về sự khốc liệt của cuộc chiến. Trí nhớ của con người thường bị thời gian làm cho phai nhòa… như Robert thú nhận với ông Hiếu trong một lá thư riêng: “Chế ơi, đã 433.650 giờ kể từ đêm xảy ra trận đánh… làm sao chúng ta có thể nhớ hết được những gì đã xảy ra trong cái đêm kinh hoàng và đau thương ấy.

Nhưng dù cho thề nào chúng ta nhất định phải đưa họ trở về với gia đình… ta không thể mắc nợ họ mãi…”. Và thực tế, vị trí trên bức ảnh mà ông Robert đánh dấu đến khi phát hiện được ra hố chôn tập thể cách nhau là 422 m.

Sau hơn 30 bức thư qua lại trong gần 1 tháng, các thông tin về mộ liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa dần dần trở nên chi tiết hơn với nhiều hình ảnh và lời chỉ dẫn cụ thể. Ông Robert Conner giới thiệu ông Hiếu với ông Martin Strones, từng là đại úy, chỉ huy bay ở sân bay Biên Hòa năm đó. Khi ông Hiếu đề nghị xác nhận về vị trí mộ, ông Martin Strones khẳng định: “Tôi sẽ sang Việt Nam”.

Mọi thông tin liên lạc với 2 cựu binh Mỹ được ông Hiếu chuyển đến Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai. Đại tá Mai Xuân Chiến - Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai trực tiếp liên lạc với ông Hiếu để tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện. Việc kiểm chứng thông tin qua hồ sơ lưu trữ cho thấy thông tin có mộ chôn tập thể hơn 150 chiến sĩ ta hy sinh tại sân bay Biên Hòa từ hai cựu binh Mỹ là có cơ sở. Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai quyết định mời hai ông Robert Conner và Martin Strones sang Việt Nam phối hợp cùng lực lượng chức năng mở cuộc tìm kiếm.

Là thương binh hạng 2/4, đi lại khó khăn nhờ chiếc chân giả, nhưng CCB Chế Trung Hiếu vẫn nhiệt tình tham gia đội tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ cùng với sự có mặt của hai ông Robert Conner và Martin Strones. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, hai cựu binh Mỹ trở về nước. Cuộc tìm kiếm vẫn được duy trì với quyết tâm và niềm tin của các CCB Việt Nam, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai. Vào 9 giờ 45 phút, ngày 13-4-2017, những di vật, hài cốt liệt sĩ đầu tiên đã được tìm thấy trong niềm xúc động nghẹn ngào.

Theo danh sách thì hố chôn tập thể này có 150 liệt sĩ nhưng khi cất bốc, không đếm được số lượng hài cốt liệt sĩ bởi có rất nhiều hài cốt đã bị phân hủy hòa lẫn vào đất và nhiều vật dụng của các chiến sĩ cũng được tìm thấy như cặp nhẫn bằng vỏ đạn, dép rọ nhựa, bi đông đựng nước, bật lửa, thắt lưng, mảnh vải dù... Chính vì thế Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai quyết định để tất cả hài cốt được cất bốc trong 72 tiểu sành và mời 68 thân nhân liệt sĩ đến từ 23 tỉnh, thành (chủ yếu ở phía Bắc) dự lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ.

Tin vui cũng được báo ngay cho hai cựu binh Mỹ, ông Hiếu cảm nhận thông tin này giúp họ trút bỏ được gánh nặng trong lòng bao nhiêu năm qua bởi họ từng nhiều lần tâm sự với ông: “Cuộc chiến này là không đáng có”.

Về Mỹ, ông Martin và Robert vẫn giữ liên lạc thường xuyên với CCB Chế Trung Hiếu. Hiện nay, hai ông tiếp tục kết nối với khoảng 600 cựu binh khác tại Mỹ từng tham chiến tại Biên Hòa để tìm thêm thông tin về một số mộ chôn tập thể các chiến sĩ ta.

Câu chuyện tìm mộ liệt sĩ này lan tỏa cả ở nước Mỹ. Đây cũng là cơ hội để hai dân tộc sẻ chia những đau thương đã từng trải qua, để hàn gắn và thấu hiểu, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai.

Hồ Thanh Hương