Ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch MTTQ tỉnh thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc Chứt ở Bàn Giàng, (Hương Khê)
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tìm về xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà để gặp Cựu chiến binh Trần Thanh Bình, ông nguyên là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh. Với nụ cười thân thiện, nói chuyện cuốn hút, nhận xét tinh tế về các vấn đề đời sống xã hội, đó là cảm nhận ban đầu của tôi về một cán bộ lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu 16 năm nhưng vẫn chưa nghỉ việc. Nào là khuyến học, tư vấn phản biện của Mặt trận, cộng tác viên dư luận xã hội, rồi Ban liên lạc CCB… việc nào ông cũng nhiệt huyết, tận tâm. Thật hiếm và cảm phục một tấm gương tuổi gần bát thập vẫn đam mê cống hiến vì Đảng, vì Dân, vì Hội.
… Sau khi được nhà nước cho nghỉ hưu, là điều kiện để chăm lo cuộc sống gia đình, nhưng với bản tính của cá nhân và niềm tin của tổ chức, ông đâu được nghi? Ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh 2 nhiệm kỳ, làm Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn phản biện của Mặt trận tỉnh, cộng tác viên dư luận xã hội của Tỉnh ủy. Ngoài ra ông còn làm Trưởng ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 44B Anh hùng và hoạt động báo chí, Việc gì được tổ chức giao ông không quản ngại khó khăn, đem hết nhiệt huyết để cống hiến cho phong trào.
9 năm làm khuyến học, ông cùng cộng sự chăm lo xây dựng phong trào khuyến học và hệ thống tổ chức hội các cấp tận thôn xóm, cơ quan, dòng họ, nhưng không quên xây dựng nguồn quỹ khuyến học các cấp. “Làm khuyến học ở vùng quê nghèo mà không có nguồn quỹ để giúp đỡ con em, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh chẳng khác nào múa tay trong bị rách”, ông nói. Từ đó ông tham mưu tổ chức sự kiện truyền hình trực tiếp để gây quỹ với chủ đề “Vì lợi ích trăm năm trồng người” hoặc “Ươm mầm trí tuệ đất Hồng La”, viết thư ngỏ và cùng anh em trực tiếp đi gõ cửa từng doanh nghiệp, từng mạnh thường quân, con em xa quê, ra bắc vào Nam. Ông nói với anh em rằng “Mình chẳng có gì phải xấu hổ, hành khất vì sự học cho con em là hạnh phúc chứ có xin cho cá nhân mình đâu”. Nhờ đó nguồn quỹ ngày một tăng để khuyến học, khuyến nghề, khuyến tài cho con em. Khi ông bàn giao để nghỉ công việc, 2 nguồn quỹ của tỉnh còn gần 18 tỷ đồng.

Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh được thành lập tháng 02/1968, được bổ sung chiến đấu tại chiến trường Trung Lào. Trong 5 năm độc lập tác chiến, đơn vị đã chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, giải phóng phần lớn diện tích các tỉnh Trung Lào. Gần 200 đồng đội đã anh dũng hy sinh. Sau đó, đơn vị sáp nhập vào Trung đoàn 176 và giải thể nên không có đơn vị nào làm hồ sơ khen thưởng cho đơn vị. Mỗi lần nghe đồng đội kể lại những trận chiến ác liệt của Tiểu đoàn, những tấm gương hy sinh bất tử của đồng đội thì trong lòng ông day dứt, tự thấy mình có lỗi với cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn đã hy sinh; rất day dứt về những chiến công của tiểu đoàn chưa được Đảng, Nhà nước ghi công.
Dù chỉ làm Chính trị viên đại đội, rời lính với quân hàm đại ủy, trong khi CCB Tiểu đoàn có hơn 30 sỹ quan cao cấp nhưng anh em tín nhiệm giao cho ông làm Trưởng ban liên lạc. Làm sao để xứng đáng với sự ủy thác của đồng đội khi trong tay không có hồ sơ, tư liệu gì và sự kiện đã diễn ra hơn 50 năm? Ông nghĩ, tài sản duy nhất có thể khai thác là các nhân chứng sống (trên 300 cựu chiến binh, trong đó có nhiều đồng chí từng là cán bộ tiểu đoàn, đại đội đã trực tiếp chiến đấu). Ông đã bàn với anh em trong Ban Liên lạc việc đầu tiên là phải biên tập được cuốn Truyền thống lịch sử của Tiểu đoàn, đã gửi thư yêu cầu các CCB cung cấp thông tin về các trận đánh, thông tin về bản thân và đồng đội. Từ đó tổng hợp, phân tích, xử lý các thông tin, tiến hành biên tập, phát hành cuốn Truyền thống lịch sử của Tiểu đoàn.
Có cuốn truyền thống rồi, nhưng không thể tìm được các quyết định khen thưởng các Huân chương của đơn vị đã hơn nửa thế kỷ nằm trong hồ sơ lưu trữ của Nhà nước? Phải tính cách khác là trở lại chiến trường xưa…”. Vậy là bốn anh em trong Ban Liên lạc đã sang tận nước bạn Lào để gặp các nhân chứng thuộc bộ đội Pha Thét Lào đã từng phối hợp chiến đấu với đơn vị để khai thác thêm thông tin. Sau đó, đoàn làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự 2 tỉnh Bô Li Khăm Xay và Khăm Muộn để xin ý kiến đánh giá và đề nghị của 2 tỉnh bạn Lào. Nhờ có cuốn Truyền thống lịch sử và văn bản xác nhận đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bô Ly Khăm Xay, tỉnh Khăm Muộn là tư liệu vô cùng quý giá, cơ sở pháp lý để xây dựng hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho đơn vị. Ngày 21-11-2022, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Tiểu đoàn 44B quân tình nguyện và đã được tỉnh tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng vào tháng 3-2023. Không chỉ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu mà cá nhân ông Bình và anh em trong Ban liên lạc vận động được trên 430 triệu đồng để tổ chức gặp mặt hơn 400 CCB Tiểu đoàn, tặng qùa cho 200 thân nhân Anh hùng, Liệt sĩ và một số thương binh nặng…
Đơn vị được phong tặng Anh hùng, “tôi vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện, vì đã góp phần làm vợi đi nỗi mất mát đau thương của bao gia đình, đồng đội, để linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát; vì sự hy sinh của các anh được Đảng và nhân dân ghi nhận”, ông tâm sự.
Trong cuộc sống đời thường, ông là một Cựu chiến binh luôn phát huy tốt bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Thấy Chi hội có gần 40 CCB mà sinh hoạt yếu, mất đoàn kết, ông đã tham mưu cho cấp ủy kiện toàn lại cán bộ chi hội và có chương trình đưa CCB vào hoạt động. Ông đã vận động các doanh nhân, con em xa quê được trên 20 triệu đồng để tổ chức cho các CCB đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại Quảng Trị, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các địa danh lịch sử. Sau những chuyến đi đó đã tạo được sự hứng khởi và sự dính kết tình cảm người lính, thu hút hội viên tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là các hoạt động tình nghĩa, xây dựng nông thôn mới…
Một trong những việc làm ý nghĩa là xây dựng nhà thờ Liệt sĩ Phan Thanh Lưu. Liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Trị Thiên ở tuổi thanh xuân, chưa có vợ con. Bố mẹ và em gái lớn đã mất, còn em gái ở xa nên việc hương khói ủy quyền cho người cháu, nhưng nơi thờ tự quá rách nát. Lương tâm của một người lính không thể an lòng với người anh đã hy sinh vì nghĩa lớn. Ông đã đề nghị Chi bộ cho ông đứng tên, gửi thư ngõ kêu gọi vận động con em, các doanh nhân, bạn bè ủng hộ để làm nhà thờ. Ông đã vận động được tổng số tiền 127 triệu đồng để làm nhà thờ diện tích 50m2 và mua quà thăm hỏi 27 thân nhân các gia đình Liệt sĩ, Thương binh, gia đình chính sách trong thôn.
Khi thấy thôn được chọn làm điểm xây dựng Thôn kiểu mẫu nhưng nguồn kinh phí quá nghèo, ông đã mạnh dạn tham mưu cho Chi bộ và Ban công tác Mặt trận thôn có các giải pháp để triển khai thực hiện, vận động con em xa quê hướng về cội nguồn, quê hương đóng góp mua sắm trang thiết bị trong nhà văn hóa thôn và ngôi nhà trí tuệ, lát gạch sân bóng chuyền…Riêng cá nhân ông đã vận động được gần 50 triệu đồng để cải tạo nâng cấp Nhà văn hóa thôn, làm cổng Tổ liên gia, vận động tặng sách cho Ngôi nhà trí tuệ thôn Hồng Lạc và các trường học trên 1.000 cuốn sách. Ông tự thiết kế, tập kết vật liệu, cùng thợ xây dựng cổng làng.
Ông luôn gần gũi nhân dân để tuyên truyền, kết nối tình làng, nghĩa xóm, thắt chặt mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, vận động dân hiến đất, giở bỏ công trình, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng; cùng với cán bộ xã, thôn đi đến các gia đình để thuyết phục, vận động nhân dân tự nguyện tham gia, cha mẹ chưa thông thì điện cho con em ở xa để thuyết phục gia đình. Năm 2023, thôn Hồng Lạc là đơn vị duy nhất trong xã xây dựng thành công khu dân cư thông minh, xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” đưa vào hoạt động rất hiệu quả, được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Ông Nguyễn Tiến Tám, Bí thư Đảng bộ xã Thạch Châu dành nhiều lời khen về đảng viên Trần Thanh Bình: “Bác ấy là “của hiếm” của xã chúng tôi. Anh em vui chuyện thường đùa việc gì khó có bác Bình, chuyện thường ngày ở xã, ở thôn xóm có gì khúc mắc, khó khăn bác góp ý thẳng thắn cho cấp ủy, chính quyền xã; có những con đường trong thôn 3 năm làm không xong, có bác ấy xắn tay vận động là đường thông, hè thoáng. Bác ấy thật xứng đáng là một đảng viên mẫu mực, được Huyện ủy bình chọn đi dự và tham luận tại Hội nghị biểu dương những tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tường, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tại Tỉnh ủy”.
Dù đã cận kề tuổi 80 nhưng CCB, đảng viên Trần Thanh Bình vẫn say sưa công việc. Với trách nhiệm là cộng tác viên dư luận xã hội, tư vấn phản biện của Mặt trận và thông qua hoạt động báo chí, ông đã nghiên cứu, nắm bắt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, luôn sâu sát, tiếp cận các địa phương, các cơ sở, cán bộ lãnh đạo đương chức, cán bộ lãnh đạo đã về hưu, Cựu chiến binh, các tầng lớp nhân dân để có tiếng nói phản biện đến cấp ủy, chính quyền các cấp từ cơ sở đến Bộ Chính trị với tinh thần trung thực, thẳng thắn, vừa bảo vệ quan điểm, lập trường của Đảng, vừa kiến nghị phản ảnh kịp thời những vấn đề chưa hợp lý phát sinh từ cuộc sống. Nhiều bài chính luận và bài viết về những tấm gương, mô hình tiêu biểu và những điều bất hợp lý trong thực hiện chủ trương nghị quyết đăng ở báo Trung ương, địa phương. Nhiều nội dung góp ý gửi các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Trung ương như xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, công tác cán bộ, vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giảm biên chế …, Thư góp ý của ông đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và một số cơ quan tiếp nhận và có thư trả lời.
Đánh giá về ông Trần Thanh Bình, ông Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói: “Đồng chí Trần Thanh Bình là một người có trình độ, năng lực và uy tín thực sự. Khi còn đương chức với vai trò Bí thư Huyện ủy Thạch Hà và Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, đồng chí luôn thể hiện rõ bản lĩnh của người lãnh đạo, là chỗ dựa tin cậy của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Khi nghỉ hưu với năng lực và uy tín của mình, đồng chí đã tham gia nhiều tổ chức xã hội như Hội khuyến học, Ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn Anh hùng, Chủ tịch họ Trần của tỉnh… Ở lĩnh vực nào đồng chí cũng tâm huyết, trách nhiệm; nhất là việc góp ý, phản biện về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và những vấn đề được dư luận quan tâm. Một cán bộ lãnh đạo luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu mến quý trọng kể cả khi đương chức và nghỉ hưu, thực sự là tấm gương sáng về học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thật cảm phục một người lính trở về đời thường được cán bộ, nhân dân mến mộ; 16 năm được nghỉ hưu nhưng công việc ông chưa ngừng nghỉ, việc gì có lợi cho dân ông tích cực tham gia. Thật hiếm có một đảng viên, một cựu chiến binh đã từng giữ chức lãnh đạo cấp tinh nhưng khi trở về cuộc sống đời thường vẫn miệt mài bền bỉ cống hiến cho phong trào, 2 lần được Tỉnh ủy vinh danh về tấm gương học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh, được bầu đi dự và tham luận tại đại hội CCB huyện Lộc Hà. Trong mọi hoàn cảnh, ông luôn thể hiện được bản lĩnh và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Lê Anh Thi