Bao năm qua, một số hộ dân sử dụng, quản lý một phần diện tích tại 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh với pháp lý không rõ ràng, đã khiến mặt tiền của khu đất này trở lên… nhếch nhác!

Năm 2002, UBND TP. Hồ Chí Minh cấp sổ đỏ với diện tích 1.372m2 đất ở cho bà Võ Thị Nhe (chết năm 1968), do ông Võ Hồng Nho (sinh năm 1919, chết năm 1999) đứng đơn khai trình. Việc cấp sổ đỏ được cho là bị chồng lấn lên diện tích đất của Công ty Phân bón miền Nam quản lý nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn cho chuyển nhượng, sang tên và đăng ký biến động thửa đất…

Sổ đỏ cấp chồng lấn vẫn cho sang tên, đổi chủ

Theo Báo cáo số 817, ngày 4-8-2017 của Phòng TNMT quận Bình Thạnh  về tình trạng pháp lý khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh khi tiến hành giải quyết tranh chấp giữa bà Phạm Thị Kim Ngân (là người mua lại khu đất 1.372m2) với một số hộ dân sinh sống trên khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Để làm rõ tranh chấp này, ngày 29-11-2007, Sở TNMT TP. Hồ Chí Minh có văn bản gửi UBND quận Bình Thạnh đề nghị kiểm tra nguồn gốc, ranh giới và quá trình sử dụng đất của Công ty Phân bón miền Nam từ thời điểm bàn giao đất năm 1979 theo Quyết định 1579/QĐ-UB ngày 11-9-1979 của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 25-4-2007, UBND quận Bình Thạnh có văn bản phúc đáp, phản hồi về Sở TNMT với nội dung: Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ (gọi tắt là sổ đỏ) số 13222/2002, cấp ngày 8-5-2002 do UBND TP. Hồ Chí Minh cấp cho bà Võ Thị Nhe (chết năm 1968) do ông Vỗ Hồng Nho (sinh năm 1919, chết năm 1999) đứng đơn khai trình có tổng diện tích được cấp là 1.372m2, diện tích xây dựng là 575,6m2.

Năm 2004, các đồng thừa kế của bà Võ Thị Nhe khai nhận di sản là căn nhà và được Trung tâm thông tin và đăng ký nhà đất cập nhật biến động chủ sở hữu tại trang 3 của giấy chứng nhận ngày 10-11-2004.

Ngày 24-5-2007, các đồng thừa kế của bà Nhe tiếp tục phân chia di sản là nhà đất tại 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Phòng Công chứng số 6 (được cập nhật biến động vào ngày 25-5-2007) và chuyển nhượng cho ông Nguyễn Phước Tâm theo Hợp đồng số 8953 lập ngày 1-6-2007 (được cập nhật biến động chủ sở hữu ngày 15-6-2007). Ngày 25-9-2009, ông Nguyễn Phước Tâm tiếp tục chuyển nhượng lại cho ông Ngô Thanh Long theo Hợp đồng số 14423 lập tại Phòng Công chứng số 6, đã được cập nhật ngày 10-7-2009. Quá trình mua bán, ông Long có đơn cam kết (đơn đề ngày 10-7-2009) với nội dung:“Không khiếu nại diện tích thực tế với diện tích ghi trên giấy chứng nhận dù có nhỏ hơn; ranh đất hướng Nam là ranh đất trừu tượng nên sẽ liên hệ với Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa để xác định ranh cụ thể; sẽ liên hệ Trung tâm đo đạc bản đồ để lập bản đồ hiện trạng và cắm lại ranh đất để làm cơ sở cấp đổi Giấy chứng nhận”.

Ngày 30-10-2009, ông Long tiếp tục chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Kim Ngân theo Hợp đồng số 19695/HĐ-MB lập tại Phòng Công chứng số 7 và cập nhật biến động chủ sở hữu vào ngày 7-12-2009. Bà Ngân cũng có đơn cam kết cùng với nội dung giống đơn ngày 10-7-2009 của ông Long. Đến ngày 2-2-2016, nhà đất bà Ngân nhận chuyển nhượng được mang đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Á Châu để vay vốn...

Trước đó, được biết năm 2011, bà Phạm Thị Kim Ngân có nộp đơn kiến nghị về tranh chấp liên quan đến khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh mà bà này cho rằng các hộ dân (khoảng 10 hộ dân) đang sinh sống tại 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh có phần đất trùng với diện tích đất bà đã mua…

Vụ việc sau đó được cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương vào cuộc xem xét, lúc này mới phát hiện sổ đỏ cấp cho bà Võ Thị Nhe (do ông Võ Hồng Nho đứng đơn khai trình) vào năm 2002 có trùng lấn vào đất của Công ty Phân bón miền Nam quản lý theo Quyết định 1579, ngày 11-9-1979 của UBND TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, báo cáo không thấy đề cập số diện tích trùng lấn vào đất của Công ty Phân bón miền Nam cụ thể là bao nhiêu mét vuông…

Khu đất cứ dần dần bị… “bốc hơi”!

Vẫn theo Báo cáo của Phòng TNMT quận Bình Thạch, cho thấy lịch sử Khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh trước khi UBND TP. Hồ Chí Minh cấp sổ đỏ đứng tên bà Nhe khá phức tạp và không được quản lý chặt chẽ khu đất dẫn đến những hệ lụy khôn lường sau này.

Cụ thể, báo cáo này thể hiện sổ đỏ cấp cho bà Võ Thị Nhe (do ông Võ Hồng Nho đứng đơn khai trình), được xác định một phần nằm trong khuôn viên đất Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa đã được Nhà nước quốc hữu hóa năm 1979.

Diễn biến của việc quản lý lỏng lẻo được minh chứng tại bản vẽ hiện trạng vị trí do Đoàn đo đạc bản đồ lập năm 1989, thể hiện Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa có diện tích khuôn viên là 5.234m2, nằm trọn tại thửa đất 195 và một phần thửa 194,197 và đường, thuộc tờ bản đồ duy nhất phường 27, quận Bình Thạnh.

Trong khi tài liệu 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ (hay gọi là Bản đồ 299) thể hiện Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa đăng ký sử dụng 6.100m2, bao gồm các thửa 194, thửa 195, thửa 213 và thửa 221 thuộc tờ bản đồ duy nhất phường 27. Từ tài liệu này cho thấy, năm 1989 diện tích Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa trước đây  đã “bốc hơi” 866m2 không ai rõ.

Theo CCB Trần Gia Bảo, ngoài diện tích sổ đỏ đã cấp đứng tên Võ Thị Nhe bị trùng lấn một phần đất của Công ty Phân bón miền Nam quản lý, thì diện tích còn lại thực chất là đất của Sở Thủy sản thành phố quản lý theo Quyết định giải quyết khiếu nại số 181/QĐ-UB ngày 4-7-1988 của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Ở diễn biến khác, ông Bảo cũng cho rằng một phần diện tích cấp sổ đỏ cho bà Nhe vào năm 2002, có cả phần đất của 10 hộ dân được Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa giải quyết cấp cho từ năm 1990 bị chồng lấn.

Tuy nhiên, Báo cáo 817 của Phòng TNMT lại cho rằng 10 trường hợp là cán bộ công nhân viên Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa được cấp nhà đất trong khuôn viên của Xí nghiệp, nhưng không có bản vẽ xác định trị trí và diện tích cấp.

Câu chuyện quản lý đất đai tại khu đất 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh tiếp tục bị“đẩy xa”hơn khi ngày 10-12-2003, UBND TP.Hồ Chí Minh có Văn bản số 6415/UB-TM gửi Bộ Tài chính với nội dung: Chấp thuận cho Công ty Phân bón miền Nam được bán nhà và chuyển nhượng QSDĐ cơ sở nhà đất số 762 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh phường 27, quận Bình Thạnh (khu II), diện tích đất 4.253,8m2.

Ngày 3-3-2004, Bộ Tài chính có quyết định phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp nhà đất của Công ty Phân bón miền Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và “chấp thuận cho phép Công ty Phân bón miền Nam được bán nhà và chuyển nhượng QSDĐ một phần cơ sở nhà đất tại 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh (khu II) phường 27, quận Bình Thạnh có diện tích khuôn viên đất khoảng 4.253,8m2”. Như vậy, tại thời điểm này cho thấy 1 lần nữa diện tích của Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa lại tiếp tục “bốc hơi” thêm 981m2 so với kê khai ban đầu (Từ 6.100m2 kê khai theo Chỉ thị 299/TT, xuống còn 5.234m2 năm 1989 và tiếp tục xuống còn 4.253,8m2 vào thời điểm năm 2004).

Cần làm rõ việc ông Võ Hồng Nho đứng ra kê khai 1.227m2 đất ở tại 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh theo Chỉ thị 299/TTg

Trước đó, như Báo CCB Việt Nam đã thông tin ở các bài viết trước: Tại Quyết định số 181/QĐ-UB ngày 4-7-1988 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Võ Hồng Nho, cho thấy UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ giải quyết trả lại cho ông Nho một số thiết bị máy móc ở cơ sở Cơ khí Thanh Đa do xét thấy không cần thiết phải trưng mua một số thiết bị này khi thực hiện quốc hữu hóa theo Quyết định số 1579, ngày 11-9-1979 của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Cũng tại Quyết định số 181, tại Điều 2 của quyết định giải quyết khiếu nại cho ông Võ Hồng Nho như sau: “Điều II….:b) Giao trả cho ông Võ Hồng Nho được trọn quyền sở hữu ngôi nhà nằm trong khuôn viên Cơ sở đông lạnh Viễn Đông (cũ);

c) Cho phép ông Võ Hồng Nho được sử dụng diện tích mặt bằng khuôn viên của  Cơ sở đông lạnh Viễn Đông, do Sở Thủy sản bàn giao lại, để tổ chức cơ sở sản xuất cơ khí liên doanh với Ban Quản lý công trình đay thành phố nhằm phát triển kinh tế của Nhà nước”.

Như vậy, có thể thấy Quyết định 181 của UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết liên quan đến khiếu nại của ông Nho khá rõ ràng, cụ thể là: “Giao trả cho ông Võ Hồng Nho được trọn quyền sở hữu ngôi nhà nằm trong khuôn viên Cơ sở đông lạnh Viễn Đông”, mà theo một số thông tin thì diện tích thể hiện chỉ là vài chục mét vuông. Năm 1996, UBND TP. Hồ Chí Minh cấp sổ đỏ số 1685/96/QĐ-UB, ngày 27-5-1996, đứng tên ông Võ Hồng Nho và bà Huỳnh Thị Thanh với diện tích được cấp là 210m2 đất ở, thuộc thửa 196 và 197, nằm ở phía giáp bờ sông Sài Gòn.

Do đó, câu hỏi tiếp tục được đặt ra là ở thời điểm năm 2002, tại sao UBND TP. Hồ Chí Minh lại có thể tiến hành cấp sổ đỏ cho bà Võ Thị Nhe (chết năm 1968) - do ông Võ Hồng Nho đứng đơn khai trình với diện tích 1.372m2 đất ở, trong đó có cả phần diện tích chồng lấn vào đất của Công ty Phân bón miền Nam và diện tích đất do Sở Thủy sản được chính UBND TP giao quản lý, sử dụng theo Quyết định 181, ngày 4-7-1988 mà trước đó UBND Thành phố đã tiến hành giải quyết đơn khiếu nại của ông Võ Hồng Nho?

Cũng cần nhắc lại: Tại tài liệu 299/TTg, Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa kê khai diện tích sử dụng 6.100m2, bao gồm các thửa 194, thửa 195, thửa 213 và thửa 221 thuộc tờ bản đồ duy nhất phường 27.

Ông Võ Hồng nho đăng ký các thửa: 192 (diện tích 242m2, loại đất: T), thửa 193 (diện tích 697m2, loại đất: T), thửa 196 (diện tích 288m2, loại đất: T), thửa 197 (diện tích 2.000m2, loại đất: Q) và thửa 198 (diện tích 868m2, loại đất: HgĐb) với tổng diện tích: 4.095m2, thuộc Tờ bản đồ duy nhất phường 27”.

Vì vậy, việc ông Võ Hồng Nho kê khai đất đai theo Chỉ thị 299/TTg ban hành ngày 10-11-1980 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 1.227m2 đất ở nêu trên rất cần được làm sáng tỏ. Đây cũng chính là mấu chốt giải quyết tận gốc của vấn đề để tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước!        

Tư Hoành