Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, mất mát. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ, người vợ của liệt sĩ,...
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, mất mát. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ, người vợ của liệt sĩ,... Những vết thương chiến tranh vẫn hàng ngày hiện hữu, đau nhức, những di chứng do chất độc da cam dày vò biết bao số phận, những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em mình, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình ở đâu... Thấu hiểu, sẻ chia những nỗi đau đó, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Cách đây 78 năm, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 20/SL về: “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về công tác thương binh, liệt sĩ và chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp lệnh và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước. Qua đó góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính trị - tinh thần, kinh tế - xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP; theo đó mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5% và được áp dụng từ ngày 1-7-2023. Cùng với bảo đảm chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được ban hành và thực hiện, như: Chính sách ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khoẻ; ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh, bệnh binh và người có công,... tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm: các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương tích cực giải quyết những phát sinh và tồn đọng, như: xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN.
Quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công với cách mạng; hỗ trợ, giải quyết lao động, việc làm để thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, tiếp tục: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú” ; Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội... Theo đó, “cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “Đền ơn đáp nghĩa” .
Để thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Pháp lệnh của Quốc hội, Nghị định Chính phủ về chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cần tập trung thực hiện tốt mấy nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, chính sách và pháp luật của Nhà nước, về thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về thực hiện chủ trương, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng, cơ quan, đơn vị và địa phương; phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công. Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tích cực giải quyết hoàn thành bộ cơ sở giữ liệu quốc gia, tiến tới công bố dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đồng thời, hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở hai cấp (xã, tỉnh) trong phạm vi toàn quốc và quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước; mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, hoàn thành cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Campuchia và nước ngoài.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Quân đội đối với người có công với cách mạng; nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, địa bàn vùng sâu, vùng xa để các chế độ, chính sách được chuyển tải đến tận cơ sở, đến từng người dân và đối tượng chính sách. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn xã hội trong việc tổ chức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc đối với người có công.
Ba là, tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về xác nhận thương binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tu bổ, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Đây là công việc lớn, phức tạp và rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với sự cố gắng của Nhà nước, phải có sự chung tay của các ngành, các cấp và của toàn dân. Trước hết, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; triển khai kế hoạch cụ thể, rà soát, xem xét, kết luận từng trường hợp theo đúng quy định, tránh để nhầm, sót những người thực sự có cống hiến mà không được hưởng chính sách. Đồng thời, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; kiên quyết xử lý những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật về người có công.
Bốn là, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công; người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với các trường hợp hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm nay là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc, ưu đãi thân nhân gia đình liệt sĩ, Người có công với cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả thiết thực, làm cho các đồng chí, đồng bào yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần như Bác Hồ hằng mong muốn. Các cấp uỷ Đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đi sát cuộc sống thực tế của nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và người có công, kịp thời bổ sung những điểm mới cần thiết nhằm giảm bớt những vết thương chiến tranh.