Đi qua chiến tranh, nhiều người lính may mắn trở về nhưng vẫn mang trong mình nỗi đau da cam. Và, nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Nhưng vượt qua nghịch cảnh, nhiều người tiếp tục là những tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, góp phần dựng xây quê hương, đất nước. Doanh nhân CCB Nguyễn Gia Khiêm, ở xã Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh là người như thế.
Ký ức hào hùng
Ông Nguyễn Gia Khiêm sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ngày 27-2-1974, ông xung phong viết đơn nhập ngũ vào Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 60 đặc công. Trong cuộc đời quân ngũ, ông trải qua nhiều chiến dịch. Mỗi trận đánh là một thử thách về lòng dũng cảm, sự ác liệt, hy sinh. Với ông giải phóng Buôn Ma Thuột, trận then chốt trong Chiến dịch Tây Nguyên là những tháng ngày vinh quang nhất trong cuộc đời binh nghiệp. Ngày ấy, ông Khiêm thuộc biên chế Đại đội trinh sát, Trung đoàn 198 Đặc công. Trong chiến dịch Buôn Ma Thuột, ông Khiêm được giao nhiệm vụ trinh sát kho Mai Hắc Đế. Đó là một tổng kho đạn dược lớn nhất của địch ở khu vực Tây Nguyên.
“Trước ngày mở chiến dịch, tôi và đồng đội trinh sát nắm mục tiêu, xem hỏa lực địch ở đâu, bày binh bố trận ra sao. Vòng ngoài kho Mai Hắc Đế có 5 hàng rào thép gai, tiếp đến là đường tuần tra canh gác, cứ 50 đến 60m có một lô cốt canh giữ. Sâu vào bên trong là hàng rào dày đặc với hệ thống đèn chiếu sáng. Trên đường tiếp cận mục tiêu, kể cả lúc đi, lúc về đều phải tuyệt đối giữ bí mật, không được để lại dấu vết. Chiều 9-3-1975, đơn vị chúng tôi được lệnh bí mật hành quân luồn lách qua các cứ điểm của địch ở vòng ngoài tiến về mục tiêu. Tuy nhiên, sau khi vượt qua vòng ngoài, tiếp cận mục tiêu bên trong thì phát hiện địch thay đổi hệ thống phòng ngự là lắp thêm tấm tôn cắm sâu 3m, rộng 4m, dưới có chông tre và mìn díp. Để xử lý tình huống phát sinh, chúng tôi nhanh chóng thay đổi chiến thuật, tổ chức phương án đào hầm ngay dưới hàng rào tôn, luồn sâu, bám sát, đánh bất ngờ tiêu diệt địch dưới các chân chòi quan sát, trận đại cối và trung tâm chỉ huy” - ông Khiêm nhớ lại.
Sau trận đánh kho Mai Hắc Đế thắng lợi, ông Khiêm tiếp tục hành quân về Đồng Xoài, miền Đông Nam Bộ, phối hợp với các đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tham gia nghĩa vụ quốc tế, giải phóng Campuchia. Năm 1979, ông hành quân cùng đơn vị bảo vệ biên giới phía Bắc tại Lạng Sơn.
Làm giàu từ nghịch cảnh
Năm 1986, ông Khiêm trở về quê hương với di chứng chất độc da cam/dioxin 61%. Ông xây dựng gia đình và có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Dù bị ảnh hưởng của di chứng chiến tranh, nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ, ông luôn trăn trở làm sao phát triển kinh tế gia đình để chăm lo cho các con khôn lớn. Điều may mắn, hạnh phúc nhất đối với vợ chồng ông là các con đều khỏe mạnh, trưởng thành.
Năm 1992, ông Khiêm mạnh dạn tập hợp những người cùng chí hướng, thành lập Xí nghiệp xây dựng Phật Tích. Ban đầu Xí nghiệp có 30 lao động địa phương, được ông đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật tay nghề. Ông Khiêm chia sẻ: “Công trình đầu tiên của tôi là xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ xã Chu Điện (nay là xã Lục Nam, tỉnh Bắc Ninh). Khi công trình đang trong giai đoạn gấp rút thì sức khỏe bị giảm sút do di chứng chất độc da cam đeo đẳng, kéo dài. Tưởng công trình đình trệ, dang dở nhưng cứ nghĩ bản thân mình đã may mắn hơn những đồng đội, được sống và lao động trong cuộc sống mới. Tôi không thể lùi bước, không thể gục ngã mà phải đứng lên để chiến thắng “nỗi đau da cam”, hoàn thành công trình đúng tiến độ đề ra”.
Vượt qua khó khăn, từng bước mở rộng quy mô, năm 2012, Xí nghiệp xây dựng Phật Tích đổi tên thành Công ty TNHH xây dựng Phật Tích, do ông Khiêm làm Giám đốc. Với phương châm “Bảo đảm chất lượng công trình là mục tiêu phấn đấu”, thương hiệu Công ty ngày càng lan tỏa, trúng thầu nhiều công trình quy mô lớn như: Trường THPT Yên Phong 1 và 2, Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP. Bắc Ninh cũ), Bệnh viện đa khoa Gia Bình, Bệnh viện đa khoa Tiên Du, Bệnh viện đa khoa tỉnh 1.000 giường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS TP. Bắc Ninh, Ban CHQS huyện Gia Bình (cũ), Trường THCS Cảnh Hưng (Tiên Du), Trường tiểu học và THCS Trần Quốc Toản, phường Kinh Bắc, Trường cao đẳng Y tế Bắc Ninh... có doanh thu hơn 90 tỷ đồng/năm, nộp thuế hơn 4 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
“Nhiều lúc tôi nghĩ, công trình đầu tiên mình thi công công trình liệt sĩ nên hương hồn anh hùng liệt sĩ phù hộ cho tôi mạnh khỏe để tiếp tục những công việc các anh chưa làm được. Nghĩ vậy nên tôi luôn cố gắng, cố gắng nhiều nữa” - CCB Nguyễn Gia Khiêm bộc bạch.
Đến kiểm tra công trình xây dựng Trường tiểu học và THCS Trần Quốc Toản giai đoạn 3, phường Kinh Bắc những ngày tháng 7-2025, ông Khiêm nhắc nhở người lao động thi công đảm bảo an toàn cho bản thân và công trình. Công trình có tổng kinh phí 107 tỷ đồng. Công ty đã huy động gần 100 công nhân, người lao động thực hiện 3 ca, 4 kíp chạy đua với thời gian.
Đến nay, Công ty tạo việc làm ổn định cho 90 lao động (hơn 70% lao động là con, cháu CCB) với mức thu nhập từ 7 đến 25 triệu đồng/người/tháng. Mỗi công trình hoàn thành trước tiến độ, ông đều trích quỹ thưởng cho người lao động, những khi người lao động ốm đau, hoạn nạn, ông ân cần thăm hỏi, sẻ chia giúp đỡ tận tình. Cũng từ đó, mỗi người công nhân, lao động luôn cố gắng hết lòng, hết sức tận tụy làm việc để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn sống nghĩa tình với đồng chí, đồng đội và làm tốt công tác an sinh xã hội. Mỗi năm, ông Khiêm và Công ty TNHH xây dựng Phật Tích trích quỹ từ 400-600 triệu đồng ủng hộ các hoạt động, phong trào của địa phương như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Vì người nghèo”... Trong đó, ông luôn quan tâm đến các CCB có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Đến nay, ông Khiêm đã ủng hộ hơn 200 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 4 nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho các ông, bà Nguyễn Thị Thiều ở thôn La, xã Hiên Vân (nay là xã Liên Bão); Nguyễn Viết Bắc ở thôn Hoài Trung, xã Liên Bão; Vũ Tuấn ở thôn Đinh, xã Tri Phương (nay là xã Đại Đồng); Tạ Thị Thành thôn Long Khám, xã Việt Đoàn (nay là xã Liên Bão)...
Kiên trung thời chiến, gương sáng thời bình, CCB Nguyễn Gia Khiêm là nhân chứng và biểu tượng cho sự nỗ lực vượt lên nỗi đau da cam, luôn quyết tâm kiên trì, sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Với những đóng góp tích cực của mình, ông Nguyễn Gia Khiêm được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai, Bằng khen của T.Ư Hội CCB Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp doanh nhân CCB Việt Nam, Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh.