Hội Nạn nhân chất độc da cam khởi công xây dựng Dự án Trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC tại Hà Nội.
Ngày 25-6-2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10-8 (ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam) hằng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Trong thời gian tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng 44 triệu lít chất độc da cam (CĐDC) lên khoảng 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, trong đó chủ yếu là CĐDC có chứa 366kg chất đi-ô-xin. Đã 58 năm trôi qua, chất độc đi-ô-xin vẫn còn tồn lưu trong đất, trong máu, trong sữa mẹ, mỡ người, trong gan, trong mỡ động vật. Với tất cả những ai đã từng bị phơi nhiễm chất da cam, là nạn nhân của CĐDC, họ phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp. Cùng với đó, nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra cho những thế hệ con cháu. Đó chính là tội ác mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, trở thành nỗi đau không thể xoa dịu.
Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm CĐDC/đi-ô-xin. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của CĐDC. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, tác động lâu dài của CĐDC/đi-ô-xin không chỉ có mấy chục năm, mà có thể lên tới hàng trăm năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin. Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân; hằng năm, Nhà nước dành khoản chi phí lớn để chăm sóc sức khỏe nạn nhân; riêng tiền trợ cấp các nạn nhân CĐDC mỗi năm tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC được hưởng chính sách Người có công với cách mạng; hơn 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí...
Được thành lập từ năm 2004, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động phối hợp các cơ quan để tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, chế độ đối với nạn nhân CĐDC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức; phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” được triển khai sâu rộng, thu hút nhiều người tham gia và ủng hộ....
Các cấp Hội tích cực tuyên truyền vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, gắn phong trào “Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” với các phong trào, các ngày kỷ niệm, ngày lễ, Tết… Từ năm 2013 đến 2018, Hội vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng quỹ đạt hơn 1.139 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, thăm hỏi, tặng quà, nhằm cải thiện đời sống và sức khỏe của nhiều nạn nhân...
Tuy nhiên, chất lượng hiệu quả hoạt động của một số tổ chức Hội còn chưa cao; công tác tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các cơ quan liên quan chưa được tiến hành thường xuyên. Công tác vận động các nguồn lực hỗ trợ nạn nhân CĐDC ở một số nơi còn thụ động, thiếu kiên trì, hình thức chưa đa dạng, kết quả vận động nguồn lực còn hạn chế. Dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng đến nay chúng ta vẫn phải chứng kiến hàng triệu đồng bào, đồng chí đã và đang phải chịu những hậu quả nặng nề, dai dẳng do CĐDC/đi-ô-xin gây ra. Hàng vạn nạn nhân đã chết; nhiều người đang hằng ngày, hằng giờ sống trong bệnh tật... Chưa kể, do thủ tục hồ sơ, giấy tờ chưa thật sự hoàn thiện cho nên vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Vì vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm và trách nhiệm của chúng ta, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Quang Vinh