CCB Nguyễn Văn Thuận (bên trái) giới thiệu đàn dê của gia đình với các CCB đến tham quan.

Trở về sau quân ngũ, CCB Nguyễn Văn Thuận ở xã Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) lại đối mặt với trận tuyến làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. Ông Thuận cho biết: “Để phát triển kinh tế gia đình, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi. Được sự hỗ trợ về chính sách và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi của địa phương đã giúp tôi mở ra hướng phát triển kinh tế mới từ con dê”.

Theo ông Thuận, nuôi dê không khó nhưng cũng không dễ. Để thực hiện mô hình nuôi dê đạt hiệu quả, ngoài kinh nghiệm tích lũy được trong thực tiễn, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê 24/24. Vì dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng nuôi dê phải đảm bảo thông thoáng, thuận tiện cho quét dọn vệ sinh khu vực nuôi. Dê cũng khá nhạy cảm, dễ bị các bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng, đậu dê, loét miệng, đau mắt… nên khi nuôi cần thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn. Ngoài chăn thả dê cho ăn thức ăn tự nhiên, ông còn bổ sung thêm cám ngô, cám gạo, lá cây để đàn dê có đủ dinh dưỡng. Với việc thực hiện chăm sóc bài bản, đúng quy trình kỹ thuật nên đàn dê của gia đình ông luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện tại, đàn dê 40 con của ông Thuận được nuôi theo hình thức bán chăn thả trên diện tích đất nông nghiệp và đất rừng của gia đình. Dê được nuôi trong môi trường chăn thả tự nhiên nên khách hàng rất ưa chuộng, thương lái đến tận nhà thu mua.

Ngoài nuôi dê, ông Thuận còn nuôi thêm 9 con trâu, thả nuôi gần 100 đôi chim bồ câu và 1.000m2 mặt nước để nuôi cá. Ngoài ra, ông còn trồng hơn 15 sào cỏ, 1ha lúa, ngô, khoai tạo thêm nguồn thức ăn cho đàn gia súc và tăng thêm thu nhập cho gia đình từ việc bán các loại lương thực.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng nên mô hình kinh tế tổng hợp của ông Thuận đem lại thu nhập khá, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Ông Võ Tá Đàn (thôn Vực Rồng, xã Sơn Tiến) cho biết: “Ở địa phương, bác Thuận luôn gần gũi, nhiệt tình, sống có trách nhiệm, tràn đầy tinh thần lạc quan. Vì thế, bác đã tiếp thêm động lực cho những người đồng đội vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển kinh tế. Riêng bản thân tôi cũng học hỏi được từ bác cách làm kinh tế tốt, vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập”.

Thùy Anh