Nguyên nhân của việc để người đã quá cố trong nhà lâu như vậy là vì: Thứ nhất tang chủ - ỷ vào việc có dịch vụ làm lạnh tại chỗ. Thứ hai (nhưng lại là lý do chính) là làng có lệ: hễ ai mất vào dịp giỗ Thành hoàng (hội làng) đều phải để đến xong đám mới được tổ chức lễ tang. Nếu trái lệ e rằng sẽ ít ai dám đến dự vì vẫn còn tồn tại những quan niệm lạc hậu trong dân gian, rằng: Đã có mặt ở “đám ma” thì phải kiêng không được vào đình lễ Thánh cầu lộc đầu xuân. Mà hội làng bắt đầu đóng đám từ ngày mồng 7 đến tối ngày mồng 10 mới rã đám….
Sự việc trên đã vi phạm nghiêm trọng Chương trình 06 của Quận ủy Hà Đông về thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong việc cưới, việc tang (quá quy định 120 giờ). Nhưng điều lạ lùng là: Từ tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể TDP số 8 đến lãnh đạo phường Yên Nghĩa đều coi như không có chuyện gì xảy ra. Dư luận đặt câu hỏi: Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nó kéo theo cả sự phát triển của khoa học kỹ thuật (KHKT). Khoa học tiên tiến như “nhà lạnh” ở bệnh viện thì chả nói làm gì, nhưng còn loại KHKT dạng “gia công” như lồng kính gắn máy lạnh công suất nhỏ, hoặc dùng đá lạnh công nghiệp để bảo quản người chết tại nhà là việc làm chưa được pháp luật cho phép, vi phạm những quy định của Luật Môi trường và nếp sống văn minh, gia đình văn hóa của Nhà nước, vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Nếu cán bộ không làm thì ai làm?
Một người đã trải nghiệm việc lưu giữ thi hài người thân bằng lồng kính gắn máy lạnh - kể rằng: Khi mở lồng kính ra khỏi quan tài, tử khí bốc mùi rất đáng sợ. Ngoài mùi hôi nồng nặc khuếch tán làm ô nhiễm môi trường còn có cả nước ngưng đọng trong đó chảy ra. Như vậy thì loại hình dịch vụ này có nên để thả nổi tự do hoạt động?
Trở lại vấn đề “lệ làng”, dưới chế độ ta, tuyệt đối không thể có chuyện “Phép Vua thua lệ làng”, bởi lẽ câu ngạn ngữ này dù ở chế độ cũ hay mới đều hàm ý phê phán tình trạng kỷ cương phép nước không nghiêm (trong không gian làng, xã pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ hai). Nếu như đâu đó vẫn còn tình trạng “Phép vua thua lệ làng” như ở TDP số 8, phường Yên Nghĩa thì trách nhiệm trước tiên thuộc về tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở là TDP rồi đến lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận của địa phương là phường (xã). Nhưng còn một vấn đề nữa cần bàn, đó là nhận thức tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về “lệ làng” vẫn rất “thâm căn cố đế” (nếu không muốn nói là bảo thủ, lạc hậu). Họ vẫn coi một số “lệ làng” đã lỗi thời như một thứ luật bất thành văn... Từ đó đã tạo ra áp lực nặng nề cho người trong cuộc như gia đình cụ Nguyễn Văn V…
Người dân mong muốn: Các cơ quan chức năng (văn hóa, môi trường) cần thường xuyên kiểm tra, nắm bắt những sai phạm nảy sinh ở cơ sở, kịp thờ đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo có biện pháp chấn chỉnh, bổ sung, hoàn thiện những văn bản, quy định hiện hành, nhằm đảm bảo sự chặt chẽ và tính nghiêm minh của luật pháp. Còn đối với tổ chức Đảng, chính quyền địa phương (phường, xã, tổ dân phố) cần chủ động tuyên truyền cho người dân hiểu rằng: Giải pháp kỹ thuật bảo quản thi hài người chết quá 48 giờ bằng lồng kính gắn máy lạnh hoặc bằng đá lạnh công nghiệp như hiện nay là chưa đủ yếu tố đảm bảo vệ sinh môi trường (chưa có khử trùng). Nguy hiểm hơn là đối với những người chết có bệnh lây, kể cả người lành khi cơ thể bị phân hủy cũng sẽ phát sinh vi khuẩn gây bệnh. Đối với loại hình dịch vụ này nơi nào xuất hiện chính quyền cơ sở cần báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (như trường hợp họ hành nghề tại gia đình tang chủ có người quá cố là cụ Nguyễn Văn V…).
Nguyễn Văn Cự