Một cửa hàng rau quả, thực phẩm được mở cửa kinh doanh trong mùa dịch. Ảnh: Thái An.
Siêu thị tổng hợp, chợ dân sinh, trung tâm thương mại nằm trong số cơ sở kinh doanh thiết yếu được hoạt động, những dịch vụ khác phải đóng cửa đến 15/4.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu danh mục ngành hàng được hoạt động trong thời gian thủ đô đóng cửa dịch vụ không thiết yếu, để phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Theo đó, danh sách cơ sở kinh doanh được mở cửa, gồm: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.
Theo ông Chung, tất cả ngành hàng kinh doanh không có trong danh mục trên phải tạm dừng đến 15/4, không có ngoại lệ.
Thành phố khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, qua phản ánh của người dân, mấy ngày qua một số quán nước vỉa hè, trà chanh, siêu thị điện máy vẫn hoạt động. Lãnh đạo thành phố giao các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để các loại hình kinh doanh không thiết yếu nghiêm túc dừng hoạt động.
Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan thông tin, từ ngày 25/3, cách hiểu của các quận, huyện về việc đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu chưa thống nhất. Nhiều phường còn ra văn bản chỉ đạo đóng cửa các cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm, dẫn tới việc một số người dân hoang mang.
Sáng 27/3, hiện tượng người dân đi mua đồ tích trữ lại diễn ra, số hàng hoá bán ra ở hệ thống siêu thị lớn tăng gấp đôi bình thường. Sở Công Thương đã đề nghị các quận, huyện tuyên truyền cho người dân biết các cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường và không tăng giá.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 674 cửa hàng gas, hơn 400 chợ dân sinh... "đây là các địa chỉ được mở cửa", bà Lan nói.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay, từ tối 24/3 quận đã vận động các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Đến nay quận Hoàn Kiếm có trên 4.000 hộ kinh doanh (trong tổng số hơn 5.000 hộ) cam kết tạm dừng bán hàng. Quận tiếp tục vận động những trường hợp còn lại.
Box:
Thành phố Hà Nội thông báo sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4; tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4.
Đối với các loại xe taxi và xe hợp đồng: Không dùng điều hòa, hạ kính, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách, khử khuẩn trước và sau khi đón trả khách.
Các trường học, cơ sở dạy nghề tiếp tục nghỉ học đến 15/4, không tổ chức cho học sinh đến trường dưới mọi hình thức.
PV