Dùng tính từ “đẻ non” để không chỉ nói những Luật ban hành được vài năm, thậm chí vừa ban hành xong đã phải bỏ, hoặc phải hướng dẫn lại, mà còn ý nói cả những luật bị “lợi ích nhóm” chi phối theo hướng tiêu cực.

Thật không ngờ là tỷ lệ những Luật “đẻ non” của nền tư pháp nước ta cũng không phải là ít. Minh chứng rõ nhất là các kỳ họp Quốc hội; họp Chính phủ gần đây phải dành không ít thời gian cho công việc sửa đổi, bổ sung, thậm chí thay thế các văn bản pháp luật đã ban hành.

Điển hình như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bị công nhân phản đối về quy định không cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì ảnh hưởng tới quyền lợi của họ, do khi soạn thảo luật, các cơ quan chức năng đã không nghiên cứu một cách đầy đủ cả về mặt lý luận cũng như đánh giá tác động các quy định đó của Luật ảnh hưởng như thế nào đến đời sống công nhân. Tổ chức Công đoàn đã phải kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa luật.

Tất nhiên nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Luật “đẻ non” là do khả năng, trình độ của đội ngũ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản, quy phạm pháp luật ở một số Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, yếu kém nên nhiều văn bản mới ban hành không có tính khả thi, chồng chéo, bất cập, thậm chí chỉ có lợi cho số ít - nghĩa là có hại cho số đông.

Cần nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên, nhưng việc cần làm ngay là Quốc hội nên dành thời gian thích đáng cho giai đoạn thẩm định Luật và chủ yếu phải dựa vào đội ngũ chuyên trách vừa giỏi về chuyên môn, vừa có thực tiễn cuộc sống để thẩm định trước khi đưa ra Quốc hội thông qua; hạn chế đến mức thấp nhất đề ra thời gian “cứng” để phải thông qua Luật; mà chỉ thông qua khi Luật đã thực sự chín muồi.

Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng cũng phải xác định hiện tượng "lợi ích nhóm tiêu cực" trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật vẫn còn rất dễ xảy ra, để luôn luôn đề cao tính phòng ngừa, ngăn chặn, phản biện.

Áp lực lợi ích “nhóm to” đến cả một ngành - như đại biểu Quốc hội vừa “nói thẳng, nói thật” giữa Nghị trường. Thế lại càng cần Quốc hội phải đủ bản lĩnh, lý kẽ để bãi bỏ.

Nhật Huy