Các doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, việc chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế đang nhận được sự quan tâm và đồng tình không chỉ của các ban chỉ đạo, chính quyền địa phương, người dân mà cả doanh nghiệp CCB. Việc tìm giải pháp để “sống chung an toàn” thể hiện một cách nhìn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Chống dịch để sản xuất, sản xuất phải an toàn

CCB Trần Hoàng Lương - Giám đốc doanh nghiệp sản xuất sữa hạt tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: Covid-19 ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống hay thói quen tiêu dùng, buộc doanh nghiệp phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng. Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, Công ty đang chia ca để hoạt động. Hằng ngày, sữa được giao cho các đại lý, siêu thị lớn nhỏ ở Hà Nội và lực lượng vận chuyển được ưu tiên tiêm 2 mũi vắc-xin để đảm bảo an toàn.

CCB Nguyễn Tiến Minh - Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Sơn cho biết: Tổ an toàn Covid-19 của Công ty được thành lập ngay khi Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai triển khai, từ tháng 5-2021 và duy trì hoạt động hiệu quả trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, Công ty triển khai thực hiện mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”, 100% người lao động được xét nghiệm hằng tuần; 95% người lao động được tiêm vắc-xin mũi 1 và 25% được tiêm vắc-xin mũi 2. Dịch bệnh khiến quy mô hoạt động giảm từ 20-25%. Tuy nhiên, Công ty vẫn đảm bảo không người lao động nào bị giảm lương, kể cả những người không đến Hà Nội làm việc được do giãn cách.

Đánh giá về những sự thay đổi của các doanh nghiệp để thích ứng với tình hình mới, CCB Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh cho biết: Phòng, chống dịch Covid-19 là một công việc rất mới và rất khó. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh các giải pháp. Thực tiễn cũng cho thấy, trong mỗi thời điểm dịch, các giải pháp đưa ra là phù hợp. Trong đó, việc áp dụng giãn cách xã hội là một giải pháp đúng để kịp thời giảm độ lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng, cách ly hiệu quả, nhưng không thể sử dụng mãi, vì khó khăn cho người dân và nền kinh tế là rất lớn.

Hơn nữa, khác với thời điểm trước, tình hình hiện nay đã thay đổi, dịch bệnh ngày càng khó dự báo bởi lan rộng ở nhiều nơi, bùng phát trên nhiều địa bàn, hay nói cách khác là rất khó để đưa dịch về “con số 0”. Việc chấp nhận có những ca F0 phát sinh trong cộng đồng, sẵn sàng tâm thế ứng phó khi có ổ dịch bùng phát, đó là một chiến lược mới cần thiết. Có thể thấy rằng, sự xoay chuyển chiến lược, mục tiêu sẽ góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song hành với phòng, chống dịch bằng việc thiết lập chiến lược lâu dài, kịch bản thích ứng an toàn.

Hiệu quả từ các “vùng xanh doanh nghiệp”

Giữa năm 2021, tỉnh Bắc Giang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Dù vậy, với sự vào cuộc đồng bộ của cả cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, dịch bệnh đã được đẩy lùi, hàng trăm doanh nghiệp được tổ chức sản xuất trở lại, bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Giang cho biết: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp phòng, chống dịch, thiết lập lại mô hình, phương thức sản xuất trong điều kiện mới. UBND tỉnh Bắc Giang thành lập nhiều tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm, từ đó có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả cấp ủy, chính quyền địa phương và các Hội CCB, Phụ nữ…, hai tuần kể từ ngày phong tỏa, sau khi đánh giá mức độ an toàn, tỉnh đã cho phép nhiều doanh nghiệp quay lại sản xuất. Hàng trăm doanh nghiệp có dịch ở mức độ trung bình cũng được tổ chức sản xuất ở mức độ hai tại các khu vực, dây chuyền đã được kiểm tra bảo đảm an toàn. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trở lại trước hết phải bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19; thực hiện sàng lọc người lao động trước khi đưa vào doanh nghiệp, chỉ sử dụng lao động đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Các doanh nghiệp CCB cũng bố trí nơi ăn ở cho người lao động ngay trong doanh nghiệp, tách biệt với bên ngoài, phân nhóm người lao động theo phương châm “4 cùng”, đó là: Người lao động cùng làm việc tại một bộ phận sẽ được bố trí cùng ăn, cùng ở với nhau; bố trí vách ngăn, khoảng cách giữa các bộ phận, khu vực sản xuất để nếu phát hiện ca nhiễm Covid-19 có thể nhanh chóng khoanh vùng. Đến nay, tỉnh xây dựng và triển khai hiệu quả phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khôi phục sản xuất. Giải quyết bài toán thiếu hụt về lao động, chuẩn bị khu vực cách ly tập trung khi xảy ra ca nhiễm, tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa, đưa đón người lao động; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phương án phòng, chống dịch.

Mạnh Hải