Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

LTS: Từ số này, Báo tháng CCB Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc tư liệu dài kỳ về một trong những khoảnh khắc gay cấn trong hoạt động của 2 Anh hùng LLVTND thuộc Cụm Tình báo H63 anh hùng: Đại tá, Cụm trưởng Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) và Thượng úy Giao thông viên Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo).

Đêm mồng 1 rạng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, lúc 3 giờ sáng, quân ta đồng loạt nổ súng đánh vào một số điểm quan trọng trong Sài Gòn như: Tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, BTL Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, trụ sở hành chính một số quận nội thành… Riêng đơn vị biệt động đánh vào dinh Độc Lập, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã rút ra khỏi cổng đường Nguyễn Du và cố thủ tại ngôi nhà 5 tầng đang xây dở tại góc đường Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân.

Thời điểm ấy, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) là Cụm trưởng Cụm Tình báo H63, đang ở nhà cụ Nguyễn Đông Phong, một cơ sở nội thành. Sáng mồng 3 Tết, giao thông cấp trên chuyển cho Tư Cang hai khẩu súng ngắn K54 và 27 viên đạn.

Chiều mồng 3 Tết, từ cửa sổ căn gác nhà cụ Phong nằm trên đường Thủ Khoa Huân nhìn sang vị trí nơi tổ biệt động vừa hoàn thành nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập đang cố thủ, chỉ cách trên dưới 60 mét, trong đầu Tư Cang diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng. Kỷ luật của Ngành Tình báo, chỉ nổ súng khi thật cần thiết, vì phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lưới điệp báo đã dày công xây dựng hàng chục năm mới phát huy hiệu lực cao như lưới Tư Cang đang phụ trách (Cụm H63). Nhưng đằng kia là anh chị em biệt động đang bị bao vây, họ đã chiến đấu dũng cảm suốt 2 ngày trời, đạn chỉ còn bắn ra từng phát một trong tình cảnh gần như tuyệt vọng. Đối diện với tòa nhà 5 tầng nơi anh chị em đang cố thủ, trên bao lơn của một biệt thự là sở chỉ huy địch, tụi sỹ quan Mỹ, ngụy đang hò hét đốc thúc bọn lính bên dưới.

Không còn thời gian suy nghĩ lâu hơn, Tư Cang đưa khẩu súng ngắn K54 lên. Theo đúng yếu lĩnh bắn nhanh 5 phát đạn hạ 5 mục tiêu trong 8 giây đã được rèn luyện suốt 7 năm trời trên miền Bắc, anh bóp cò bắn liền 2 phát. Cánh cửa sổ nhẹ nhàng khép lại. Tư Cang cầm hai khẩu súng cùng gói đạn rời đi qua bàn thờ Phật, qua gường ngủ của cô Tám Thảo - con gái cụ Phong, đồng thời là Giao thông viên của Tư Cang trong cụm tình báo, len qua những súc vải ngổn ngang rồi chui vào nơi ẩn nấp ở ngăn trong cái tủ nằm dưới bàn thờ Phật, ngăn ngoài chứa đầy sách kinh và được ngăn với ngăn trong bằng một tấm ván mỏng. Chỗ này vừa hẹp vừa tối. Nhìn qua khe hở giữa mái ngói và tường gạch, Tư Cang quan sát được toàn bộ con hẻm nhỏ từ đường Gia Long dẫn vào nhà.

Trời tối dần, đường phố đã lên đèn. Xe cứu thương, xe cảnh sát chạy ầm ầm, còi hú vang cả một vùng. Tiềng giày đinh rầm rập nện trên đường Gia Long. Một toán lính dừng lại đầu hẻm.

- Đại úy nói có Việt cộng từ hướng này bắn đến mầy ạ - một tên nói.

- Từ hướng nầy? Làm gì có chuyện đó.

- Thì ổng ra lịnh tụi mình vây chặt để sáng mai lục soát khu nầy mà.

Thế là đã rõ, tình huống tương đối nguy hiểm đây. Tư Cang tháo băng đạn ra, lắp lại đầy đạn, còn những viên đạn rời để trước mặt. Anh nhẩm tính: giao thông cấp trên đem xuống 27 viên đạn, lúc chiều bắn 2 viên, còn 25 viên. Mỗi khẩu được lắp vào băng 7 viên, còn 11 viên rời, lần tay đếm lại thấy đủ. Sáng mai có thể một trận tử chiến với quân thù, phải đánh đến viên đạn cuối cùng. Nhưng… là một cán bộ tình báo, lại là Cụm trưởng nắm được nhiều bí mật, quyết không cho địch bắt sống. Tư Cang lấy một viên rời cho vào túi áo, nhưng lại nghĩ loại đạn K54 này thỉnh thoảng có viên lép, cho vào túi viên nữa cho chắc ăn. Đó sẽ là 2 viên cuối cùng, 2 nòng súng đưa lên 2 màng tai, 2 ngón tay trỏ cùng một lúc siết cò.

Còn bao nhiêu đạn đây chơi hết với tụi bây. Là xạ thủ súng ngắn của Sư đoàn 338, lại được Cục 2 rút ra Bắc rèn luyện thêm 6 tháng nữa trước khi đưa vào Sài Gòn hoạt động, đâu cho phép mất bình tĩnh và bắn trật nhiều phí đạn. Chà! Nếu bắt buộc phải nổ súng thì thật tội nghiệp cho hai cụ chủ nhà, cho Tám Thảo, cho cả gia đình. Tan nát hết! Vậy mình phải hết sức bình tĩnh, khi đã thật sự bị lộ mới dùng súng.

Bỗng có tiếng động lạ trên đầu, có người đi trên mái ngói, và không chỉ một người! Như vậy, chúng bao vây chặt, cả dưới đường và trên mái nhà (khu vực này, các mái nhà liền nhau). Trên trời, chiếc trực thăng của bọn tâm lý chiến vẫn bay rè rè từ chiều, ra rả: Hỡi cán binh Việt Cộng, các anh đã bị bao vây, hãy đầu hàng đi! Hàng thì sống, chống lại thì chết! Ai chưa chấp Việt Cộng, từ 5 năm tù tới tử hình!.. Xen giữa những lời kêu gọi, đe dọa ấy là các bài hát ủy mị, ẻo lả, gợi nỗi nhớ gia đình, vợ con…

Mặc kệ tụi chúng, lòng thanh thản nghe tiếng tụng kinh, tiếng gõ mõ đều đều của cụ Phong, Tư Cang ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Hừng sáng thức dậy đã nghe tiếng súng lớn, súng nhỏ, tiếng la hét chửi thề từ phía trận địa dinh Độc Lập. Sau đó thì êm, chỉ lác đác vài phát súng ngắn, vài loạt tiểu liên AR15. Có lẽ anh chị em biệt động đêm qua đã rút khỏi trận địa, nhân lúc địch rối loạn, còn bọn địch đã vào chiếm ngôi nhà 5 tầng bỏ trống,.

Có tiếng giày nhà binh trên nền xi măng ngoài đầu hẻm. Tư Cang nhìn ra: một trung đội cảnh sát dã chiến mặc đồ rằn ri, trang bị đầy đủ đang tiến vào dãy phố bốn căn này. Dẫn đầu là Định - chủ nhà đầu hẻm, người thấp, mập, trắng. Lẽ nào nó làm chỉ điểm cho giặc? Nó đưa tay chỉ trỏ vào phía trong này, giọng nói oang oang: “Bắt được thằng Việt Cộng này, mổ bụng xem lá gan bao lớn mà dám vào vùng này”. Thật đáng ghét! Tên chỉ huy lên tiếng:

- Ê! Chúng mày! Trên ấy có gì lạ không?

Thằng trên nóc đáp lại:

- Dạ, theo lệnh đại úy, tụi em canh suốt đêm trên nóc nhà này, không thấy gì.

- Tốt! Cứ tiếp tục gác trên đó. Cẩn thận đấy!

- Dạ!

Dãy phố này có 4 căn nhà. Bọn địch dừng lại phân công nhau rồi gọi chủ nhà mở cổng hết 4 căn cho chúng lục soát. Có lẽ chúng giả bộ vậy thôi chứ căn nhà cụ Phong mới là trọng tâm chú ý của chúng, vì chủ nhà bên phải là một Ấn kiều, còn hai căn bên trái đều có người nhà là sĩ quan trong quân đội ngụy.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyên Phong