Doanh nhân, CCB Đinh Quang Minh trao quà tặng các gia đình khó khăn tại xã Liên Sơn (huyện Gia Viễn) nhân dịp Tết Tân Sửu.

Ở cái tuổi thất thập, doanh nhân CCB Đinh Quang Minh vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi nguồn năng lượng tích cực, lúc nào cũng nhiệt huyết với công việc cũng như hoạt động từ thiện xã hội. Nhiều người cho đây là độ tuổi nên nghỉ ngơi thì CCB Đinh Quang Minh lại không nghĩ vậy. Ông cho rằng, nhiệt huyết không có tuổi, người giàu nhiệt huyết không bao giờ già.

Mãi khắc ghi những năm tháng hào hùng

Chưa đầy 18 tuổi, tháng 2-1965, chàng trai Đinh Quang Minh từ vùng quê nghèo Liên Sơn (Gia Viễn, Ninh Bình) tòng quân ra trận đánh Mỹ. Đơn vị anh thuộc c29, e32, Quân khu 4, có nhiệm vụ bảo đảm thông đường tại trọng điểm Rú Trét (xã Nam Đông, Nam Đàn, Nghệ An). Đây là một trong những điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhằm cắt đường huyết mạch chi viện cho miền Nam. Ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh bom, chia cắt tuyến đường. Đơn vị anh ngày đêm túc trực thực hiện nhiệm vụ, nhiều vị trí vừa được sửa xong thì tốp máy bay khác lại kéo đến trút bom xuống.

Đầu năm 1968, trước yêu cầu khẩn trương chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Trung đoàn 27 thuộc Mặt trận B5-T8, chàng lính trẻ Đinh Quang Minh được biên chế vào Trung đoàn 27, nhận lệnh vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Những năm tháng “mưa bom, bão đạn”, những khoảnh khắc chiến đấu, sinh tử ghi dấu những chiến công và cả những mất mát đau xót đến tột cùng. Sau nhiều chiến công quả cảm, Đinh Quang Minh vinh dự được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. “Ngày ấy, tôi cũng như bao đồng chí, đồng đội của mình mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ với ngọn lửa căm thù hừng hực cháy trong tim, quyết tâm chiến đấu với quân thù cho dù phải trút hơi thở cuối cùng để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - ông Minh trải lòng.

Năm 1971, nhận lệnh của cấp trên, ông được điều ra học tại Trường sĩ quan Lục quân. Với thành tích học tập xuất sắc, ông được tiếp tục học Khóa giáo viên quân sự C38 - Trường sĩ quan Lục quân và tham gia công tác giảng dạy tại trường tới năm 1978. Thương tật trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, những trận sốt rét, bệnh tật đã lấy đi 72% sức khỏe của ông, khiến ông phải rời xa quân ngũ.

Vươn lên nhờ tinh thần người lính

Doanh nhân, CCB Đinh Quang Minh (thứ nhất, trái sang) tham gia chương tình “Nghĩa tình đồng đội” năm 2018, lên thăm và tặng quà Đồn Biên phòng Lũng Cú.

Trở về quê hương - một xã nghèo miền núi của huyện Gia Viễn, bố mẹ đã già yếu, vốn liếng không có gì ngoài đôi bàn tay và ý chí, nghị lực, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông quyết không khuất phục đói nghèo.

Vốn yêu thích nghề mộc, thời còn là giáo viên, ông thường tranh thủ những dịp nghỉ phép đóng thuê giường, tủ… để cải thiện thu nhập cho gia đình. Sau một thời gian tích lũy thêm kinh nghiệm, ông mạnh dạn mở xưởng sản xuất đồ mộc phục vụ cho bà con trong vùng. Dưới bàn tay tài hoa của ông, những sản phẩm đồ mộc tinh xảo đã ra đời và được khách hàng ưa chuộng như bàn ghế, giường tủ... Minh “mộc” - cái tên mà bà con thường gọi ông đã trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín. Chỉ sau 2 năm, ông xây được nhà kiên cố, gia đình “có của ăn, của để”.

Chuyển sang lĩnh vực xây dựng, năm 1993, ông thành lập Công ty TNHH Bảo Sơn với công trình ghi dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp là được tham gia công cuộc quai đê lấn biển Bình Minh 2, Bình Minh 3 tại vùng ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Lần này, vốn liếng kinh nghiệm trong thời gian xây dựng các công trình phòng thủ bờ biển ở Nghệ An đã giúp ông tự tin, táo bạo, quyết đoán đón nhận thời cơ cũng như thách thức trong quá trình thực hiện. Hiện nay, huyện Kim Sơn đã có hàng nghìn héc-ta đất phù sa lấn biển. Từ những dòng sông mang nặng phù sa bồi lắng, người dân Kim Sơn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản quy mô lớn theo hướng công nghiệp.

Ngoài ra, Công ty còn nhận được nhiều dự án lớn như: Trạm bơm Kinh Thanh 2 (Hà Nam) với máy bơm có đường kính ống hơn 2m; Bệnh viện Sơn Tây với kinh phí hơn 300 tỷ đồng… Suốt 28 năm qua, “chất lượng - tiến độ thi công - an toàn lao động” tại các công trình là tiêu chí để Công ty đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Công ty luôn quan tâm đời sống của cán bộ, công nhân, đoàn kết cán bộ, công nhân để mọi người đồng lòng coi Công ty như ngôi nhà thứ hai của mình.

Hiện nay, mặc dù đã trao quyền điều hành Công ty cho con trai - anh Đinh Quang Sơn, nhưng với vai trò Chủ tịch HĐQT, tầm nhìn của doanh nhân CCB Đinh Quang Minh luôn là định hướng phát triển của Công ty. Ông còn tích cực tham gia các chương trình tri ân đồng đội, giúp đỡ người nghèo, làm nhà tình nghĩa, làm nhà văn hóa, xây nhà tặng Mẹ VNAH, xây bể bơi cho trẻ em địa phương tập bơi, làm đường vào nghĩa trang, nâng cấp và xây dựng chùa, đình làng… với số tiền lên tới hơn 2,2 tỷ đồng.

Khái quát cuộc đời mình qua những câu thơ, ông trầm ngâm đọc cho chúng tôi nghe bài thơ của một người bạn viết tặng ông:

“Rời chiến trường anh về làm thợ/ Xưởng của anh đặt tại sân nhà/ Cưa, xẻ, đục, bào anh đâu có sợ/ Nuôi gia đình và xây những ước mơ/ Từ quê nhà anh ra thành phố/ Từ xưởng nghề anh lập công ty/ Rồi những công trình nối nhau thách đố/ Anh vươn mình thành một doanh nhân/ Anh vẫn đẹp trong màu áo lính/ Vẫn kiếm tìm đồng đội xưa kia/ Mang trong mình trái tim người lính/ Vẫn là người luôn biết sẻ chia”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Ninh Bình cho biết: “Anh Minh là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của Hội CCB và Hội Doanh nhân CCB tỉnh trong những năm qua. Là đảng viên 54 tuổi Đảng, anh luôn là người đi tiên phong trong mọi công việc. Anh rất nhiệt tình, tích cực trong công tác thiện nguyện, giúp đỡ đồng đội, bà con có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh”.

Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của doanh nhân, CCB Đinh Quang Minh trong sản xuất, kinh doanh, quan tâm chăm lo đời sống người nghèo đã và đang cùng với chính quyền địa phương góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đúng như tâm nguyện của ông: “Cuộc đời của tôi luôn vươn lên để xứng danh người lính Cụ Hồ”.

HỒ THANH HƯƠNG