Ngày 11-3-2011 đã đi vào lịch sử đau thương của đất nước Nhật Bản khi có tới 16.000 người thiệt mạng và 3.000 người mất tích trong trận siêu động đất mạnh 9 độ rích-te kèm theo những cột sóng thần cao hàng chục mét cuốn sâu vào trong đất liền và tàn phá nhiều khu vực ở vùng Đông Bắc. Hơn 383.000 ngôi nhà đã bị cuốn trôi và hiện vẫn còn tới 344.000 người phải sống trong các khu nhà tạm.

Có thể nói, không đơn thuần chỉ tái thiết, mà Chính phủ và nhân dân trên đất nước Mặt trời mọc sẽ xây dựng một nước Nhật Bản mới, đó là quyết tâm vượt qua thách thức từ thảm họa động đất - sóng thần lịch sử. Nhật Bản đã có tiến bộ đáng kể trong vòng 12 tháng qua và tin rằng giai đoạn khó khăn này đánh dấu một sự khởi đầu hồi sinh mạnh mẽ. Thủ tướng Nhật Bản Y-ô-si-hi-i-cô Nô-đa khẳng định sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ và tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế; đồng thời cũng thể hiện mong muốn chia sẻ với cộng đồng quốc tế những bài học Nhật Bản rút ra từ trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Phư-cư-si-ma 1, như trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với thảm họa.

Nhật Bản là nước đi đầu trong sử dụng hiệu quả năng lượng và có nhiều công nghệ mới và phải áp dụng kinh nghiệm này để tạo ra một mô hình tăng trưởng bền vững mà chúng tôi có thể chia sẻ với thế giới. Một lĩnh vực khác mà Nhật Bản có thể và tôi tin rằng phải làm là dẫn dắt thế giới và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm thiểu nguy cơ và đối phó với thảm họa.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã đăng quảng cáo trên các tờ báo và kênh truyền hình lớn ở nước ngoài từ tháng 2 để bày tỏ sự biết ơn đối với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế sau thảm họa.Thông qua quảng cáo trên kênh truyền hình CNN ở Mỹ và khoảng 130 tờ báo ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Nhật Bản còn muốn nhấn mạnh rằng các khu vực bị thảm họa kép và sự cố hạt nhân tấn công đang phục hồi và đây là một phần của chiến dịch quảng bá các sản phẩm và địa điểm du lịch của các địa phương này.

Thảm họa động đất - sóng thần còn gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau thảm họa Chéc-nô-bưn năm 1986, buộc khoảng 160.000 người sống quanh nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 phải sơ tán để tránh nhiễm xạ. Dù đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, song cho đến nay công tác khắc phục hậu quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong suốt một năm qua, chính phủ và người dân Nhật Bản đã kiên cường vươn lên để xây dựng một đất nước Nhật Bản mới tươi sáng hơn và mạnh mẽ hơn. LHQ đã lên tiếng ca ngợi sự phục hồi nhanh chóng của Nhật Bản sau thảm họa, đồng thời đánh giá cao tiến bộ lớn của nước này về tăng cường an toàn, an ninh hạt nhân. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun nhấn mạnh thêm rằng cơ quan này sẽ tiếp tục nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn và xử lý các thảm họa quy mô lớn như vụ Phư-cư-si-ma, Đai-i-chi. Việt Nam cũng đã khẳng định sẽ làm hết sức mình để chia sẻ và hợp tác với Nhật Bản vì sự phát triển của hai đất nước.

Đình Anh