**Biến dân thành con nợ!
Đầu năm 2014, Bà Nguyễn Thị Lễ ở thôn Thanh Xuyên, xã Hải Thanh có nhu cầu làm sổ đỏ để vay vốn ngân hàng. Khi đến UBND xã, bà gặp cán bộ địa chính nhờ tư vấn, được cán bộ xã hướng dẫn về thôn lấy xác nhận, nộp tiền, sau 2 tháng là làm xong sổ đỏ!
Ngày 13-1-2014, bà Lễ đã nộp 8,8 triệu đồng cho bà Lê Thị Phương, cán bộ địa chính xã. Ngay sau đó, xã về đo đất cho gia đình bà. Thế nhưng sau khi đó đất, đến cuối tháng 6-2015 bà vẫn chưa thấy có sổ đỏ. “Ông Cần-chồng tôi thấy tiền thì nộp rồi mà sổ đỏ không có, suốt ngày rên rỉ, la ó, trách móc, bảo lỗi tại tôi. Khổ quá, nhà tôi nghèo, nhưng khi được cán bộ xã “tư vấn”, tôi đã đi vay 3 chỉ vàng bán lấy tiền nộp cho cán bộ xã làm sổ đỏ. Thế mà bây giờ sổ đỏ thì chưa có, 3 chỉ vàng phải trả người ta đến nơi rồi, nhưng không biết lấy đâu ra để trả…”-Bà Lễ than thở!
Vẫn theo bà Lễ, không chỉ có bà nộp tiền triệu để làm sổ đỏ. Mấy năm trước, con gái bà là Lê Thị Liên mua được mảnh đất, muốn sang tên chủ sử dụng đất trên sổ đỏ, cũng đã phải nộp 3 triệu đồng “lót tay” cho một người phụ nữ “X” làm cán bộ trên huyện, ở thị trấn Còng (huyện Tĩnh Gia). Sau 3 năm nhận tiền, người phụ nữ này vẫn chưa làm được sổ đỏ cho con gái bà. Gần đây, con gái bà tiếp tục lên huyện gặp, hỏi thì bà “X” tư vấn nộp tiếp 10 triệu đồng mới làm được sổ đỏ. Nhất trí nộp tiếp số tiền 10 triệu đồng, nhưng khi bà “X” xuống đo đất, lại “hét”: “Phải chi hết 27-28 triệu đồng mới làm sổ được”-Nghe thấy chi phí số tiền quá lớn, con gái tôi bỏ đi Hà Nội, không nói năng gì…”-bà Lễ cho biết thêm.
Ngoài hộ gia đình bà Lễ, bà Hoàng Thị Châm, thôn Thanh Đông, xã Hải Thanh còn bị cán bộ địa chính xã “chăn” tiền trắng trợn. Năm 1994, gia đình bà Châm mua lại của ông Đỗ Văn Gia (người cùng thôn) 147m2 đất. Vừa qua, gia đình xây lại nhà mới, có xây lấn ra đất công do xã quản lý, liền bị chính quyền đến lập biên bản xử phạt hành chính. Khi bà Châm xin được sử dụng thì bị "hét" nộp một khoản tiền cho xã là 35 triệu đồng. Bà Châm cho biết, số tiền này cô Phương (cán bộ địa chính xã) bảo xã tính thu 500.000 đồng cho mỗi mét vuông đất xây lấn?! Hiện gia đình bà Châm đã nộp 20 triệu đồng, còn nợ 15 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, cách thức thu tiền làm sổ đỏ được cán bộ địa chính xã hướng dẫn sẽ viết phiếu thu dưới dạng “Đóng góp NS (ngân sách?-PV) để đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa phương”.
Một số người dân phản ánh, có nhiều trường hợp người dân do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên khi nộp tiền cho cán bộ xã đã không lấy phiếu thu…
**
Dân dài cổ đợi sổ đỏ, lãnh đạo xã thừa nhận có sự việc!
Trao đổi với PV, ông Trần Hùng Vương, nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Thanh (ông Vương mới chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã Hải Thanh) thừa nhận có việc xã đứng ra thu tiền làm sổ đỏ.
Theo ông Vương, xã có thu tiền một số trường hợp muốn làm sổ đỏ. Ông nói: “Hầu hết những hộ này là “nhày dù” ra đất công để ở từ những năm 1989. Theo quy định của luật thì phải làm sổ đỏ cho dân… Thời điểm trước không thu tiền vào ngân sách, nhưng vì họ nhảy dù nhảy cóc, cho nên xã vận động họ nộp tiền vào ngân sách…”.
Vẫn theo ông Vương, có 5-10 trường hợp xã thu tiền làm sổ đỏ. Có hộ thu 7 triệu đồng, hộ thu 8 triệu đồng, trên phiếu thu ghi thu nộp tiền vào ngân sách xã để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, UBND xã Hải Thanh còn thu của nhiều người khác; số tiền thu có trường hợp lên tới 20 triệu đồng, có trường hợp thu 12 triệu đồng. Một người dân ở Hải Thanh cho biết, nhiều trường hợp bị xã thu tiền thậm chí còn nhiều hơn nữa, nhưng vì còn chờ làm sổ đỏ nên họ ngại không dám tố cáo tới PV…
Trao đổi với ông Hoàng Bá Trung-Trưởng phòng TNMT huyện Tĩnh Gia về vấn đề này, ông Trung cho biết, “Huyện không có chủ trương thu những khoản lệ phí làm sổ đỏ lớn như thế”. Theo ông Trung, đối với đất thổ cư cũ đã được Nhà nước chứng nhận (đất có trước 15-10-1993) thì không thu tiền làm sổ đỏ. Đất cấp sau Luật Đất đai năm 2003 đến trước ngày 1-7-2004, thu theo quy định tại Nghị định 197/NĐ-CP và các khoản tiền để làm sổ đỏ do ngành thuế thu. Toàn bộ hồ sơ làm sổ đỏ đều qua bộ phận một cửa của UBND huyện Tĩnh Gia thực hiện và trả kết quả cũng ở bộ phận một cửa này.
Đối với đất giao trái thẩm quyền sau ngày 1-7-2004, xã đã thu tiền bán đất trái thẩm quyền và có biên bản bàn giao đất, có phiếu thu tiền đất nộp ngân sách xã thì cũng được xét cấp sổ đỏ. Lệ phí là 141.000 đồng/sổ đỏ được cấp...
“Tính đến thời điểm này, toàn xã Hải Thanh đã cấp được 2.298 sổ đỏ. Hiện còn khoảng 100 trường hợp đang chờ xã trình lên xét duyệt. Nếu 100 trường hợp này xét duyệt đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì chuyển qua bộ phận “một cửa” của huyện để thực hiện và trả kết quả cũng tại bộ phận này”-ông Trung thông tin.
Thiết nghĩ, từ những thông tin trên cho thấy việc thu tiền của dân làm sổ đỏ ở xã Hải Thanh là có nhiều “khuất tất”. Báo CCB Việt Nam đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật ở tỉnh Thanh Hóa điều tra làm rõ để đảm bảo quyền lợi người dân và nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần sớm khởi tố vụ án...
Bài và ảnh: Doanh Chính-Hoàng Thanh