Hiện nay CCB Vừ Chả Chống có hơn 2.500 gốc pơ mu và sa mu.
Năm 1988, Vừ Chả Chống xuất ngũ về quê, ông thấy cuộc sống đồng bào Mông và gia đình mình rất đói khổ. Ông làm đơn xin chính quyền nhận 8ha đất trống đồi trọc để xây dựng trang trại. Vốn liếng duy nhất vợ chồng ông có lúc đó là sức lao động. Rồi đất cũng không phụ công người, trang trại vườn đồi của ông ngày càng xanh tốt, chè thu nhập khá, chăn nuôi hàng năm cũng cho ông cả trăm triệu đồng.

Điều làm ông luôn băn khoăn là những cánh rừng pơ mu, sa mu ngút ngàn quanh bản làng trước kia, do tục đốt nương làm rẫy và nạn phá rừng bừa bãi nên chẳng còn nữa. Ông quyết tự mình khôi phục lại rừng sa mu và pơ mu để con cháu đời sau biết được loài cây đã ôm ấp bản làng mình từ xa xưa.

Ông bàn với vợ con, tìm và mua giống cây sa mu, pơ mu về trồng xen kẽ trong những đồi chè của gia đình. Ông đi hết các xã trong huyện có nhiều cánh rừng sa mu, pơ mu và ra cả những tỉnh phía Bắc để tìm cây giống, thậm chí “đặt hàng” những người dân đi rừng tìm được cây con bán ông sẽ mua hết.

Trời không phụ lòng người, khi hơn 20 cây sa mu, pơ mu ban đầu nhanh bén đất và phát triển mạnh. Thừa thắng xông tới, suốt từ năm 2005 đến 2008 ông Chống lặn lội đèo sâu, núi cao đi tìm cây giống về trồng thêm. Rồi trong những lần vào rừng tìm cây giống ông phát hiện, hạt của hai loại cây này khi già rụng xuống đất được phủ mùn kín nên nhanh mọc mầm.

Đến nay, số lượng sa mu ông đã trồng được là hơn 1.500 gốc và hơn 1.000 gốc pơ mu. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu đồi trồng sa mu và pơ mu quanh nhà của gia đình ông Chống cho biết: Thời gian tới ông sẽ tiếp tục trồng xen canh hai loại cây này cùng các loại cây ngắn ngày khác. Đồng thời, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho các gia đình khác trong vùng để nhân rộng diện tích trồng sa mu và pơ mu.

Giờ đây đi từ xa hàng cây số giữa núi đồi trùng điệp của vùng đất Huồi Tụ, đồi cây sa mu, pơ mu của người CCB Vừ Chả Chống đã lớn bằng thân một người ôm, ngọn cây dựng lên như những tòa tháp ở vùng đất trống đồi trọc một thời.

Thu Hòa