. Bất chấp sự nghi ngại của một số nước, theo KCNA, việc phóng Kwangmyongsong-3 sẽ cổ vũ quân và dân Triều Tiên đoàn kết xây dựng đất nước, là cơ hội vàng để đưa việc tận dụng hòa bình kỹ thuật không gian vũ trụ của nước này bước vào giai đoạn mới. Đồng thời cũng khẳng định: “Sự phát triển và sử dụng không gian vào những mục đích hòa bình là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền”. Khoảng 30 phóng viên nước ngoài có mặt tại Triều Tiên để đưa tin về vụ phóng vệ tinh theo lời mời của nước này.

Việc phóng vệ tinh không còn là chuyện lạ, tuy nhiên, theo một số nhà quan sát quốc tế, quyết định được đưa ra vào thời điểm này khiến nhiều người nghĩ đến một thông điệp đang được Bình Nhưỡng gửi đến liên minh Hàn - Mỹ - Nhật. Giới bình luận quốc tế nhận định rằng, nếu phóng vệ tinh thành công, nó không chỉ đánh dấu bước tiến vượt bậc về công nghệ chế tạo tên lửa, mà còn là sự kiện có thể xóa tan những nghi ngại, đồng thời tập trung sự đồng lòng của người dân cũng như các tầng lớp lãnh đạo sau khi Chủ tịch Kim Châng In qua đời.

Mặt khác, việc dự định phóng vệ tinh của Triều Tiên có lẽ cũng chính là câu trả lời cho những cuộc tập trận, cùng những tuyên bố gai góc bên phía Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Thêm nữa, nếu thành công trong đợt phóng lần này, rõ ràng Bình Nhưỡng sẽ có thêm một con bài chiến lược để mặc cả trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Vị thế của Triều Tiên sẽ được nâng lên rất nhiều, đồng nghĩa với việc các quyền lợi, yêu sách sẽ được đẩy lên một mức cao hơn. Hơn nữa, Triều Tiên đưa ra tuyên bố phóng vệ tinh ngay sau khi tuyên bố dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy lương thực từ Mỹ cũng cho thấy mặc dù Bình Nhưỡng có thể “xuống nước”, nhưng sẽ không có chuyện họ nhượng bộ quá nhiều.

Tuy nhiên, kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng là một động thái khó hiểu với cộng đồng quốc tế. Nó được công bố chỉ 16 ngày sau khi Triều Tiên thông báo đồng ý ngừng các vụ thử tên lửa tầm xa, một phần trong thỏa thuận với Mỹ để đổi lấy 240.000 tấn lương thực viện trợ. Chính vì vậy mà kế hoạch này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của một số nước, đặc biệt là

Mỹ - Nhật - Hàn, những nước vốn coi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Mặc dù Triều Tiên khẳng định lần phóng vệ tinh này đơn thuần vì mục đích khoa học, song các nước trên đều cho rằng đây là vụ thử tên lửa quân sự trá hình. Trong khi Xơ-un và Tô-ky-ô đều tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó bay vào lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật thì phía Triều Tiên khẳng định vệ tinh này mang bản chất hòa bình và tuyên bố việc đánh chặn vụ phóng vệ tinh của nước này sẽ là “một hành động gây chiến” và có thể dẫn tới “hậu quả khủng khiếp”.

Kể từ khi Bình Nhưỡng rút khỏi vòng đàm phán 6 bên gồm CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi một cách đáng lo ngại. Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Bình Nhưỡng liên tục chỉ trích Oa-sinh-tơn là “kẻ gây rối” trong khu vực vì đã biến Hàn Quốc thành “kho hạt nhân lớn nhất ở khu vực Viễn Đông”. Trong khi đó, Mỹ không hề thay đổi các chính sách cứng rắn với Triều Tiên. Chính sự cứng rắn này cũng khiến Mỹ đang tự đánh mất các cơ hội đàm phán với Triều Tiên và phá hỏng một số thành quả đã đạt được.

Có thể nói, đánh giá chung của dư luận bên ngoài Triều Tiên luôn cho rằng đây là một mối nguy cơ về hạt nhân và tên lửa, trong khi nếu nhìn ở một góc độ khác, Bình Nhưỡng là một quốc gia nhỏ, đang bị chèn ép bởi các thế lực lớn hơn, và đặc biệt là đang phải đối mặt với sự đe dọa hạt nhân nghiêm trọng hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Phải sống với những nguy cơ hiện hữu, Bình Nhưỡng buộc phải tập trung vào phát triển các "công cụ” chống đỡ. Có thể hiểu được sự ám ảnh của Bình Nhưỡng về vấn đề an ninh, và muốn dẹp bỏ "mối nguy hiểm hạt nhân” này không gì khác ngoài việc phải đáp ứng những gì họ kiếm tìm: sự đảm bảo vững vàng về an ninh, hòa bình ổn định và bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Rõ ràng, tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên phóng vệ tinh, bước phát triển này đáng quan ngại, song hy vọng tất cả các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế. Hòa bình là lợi ích chung và ổn định tại bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, phù hợp với lợi ích của tất cả bên liên quan. Vì thế, những vấn đề khúc mắc cần phải được giải quyết qua con đường ngoại giao và các biện pháp hòa bình.

ĐÌNH ANH