Những năm gần đây, liên tục các tác phẩm được gọi là… văn học do các hot boy, hot girl xuất bản. Hơn đáng kể những cây đàn anh, đàn chú, đàn ông, các lễ ra mắt tác phẩm của các “hot” này vô cùng đình đám, thu hút đám đông độc giả. Và kết quả “bán sách” cũng rất “đáng nể”.
Có những cuốn của các “tác gia” như “Gào”, một “hot girl viết sách”, luôn tiêu thụ 10.000 đến 20.000 bản, hay gần đây là “Buồn làm sao buông” của Anh Khang đứng đầu danh sách top 10 cuốn sách bán chạy tại Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 8. Trước đó, “Ngày trôi”, tác phẩm đầu tay của chàng trai 8X này tái bản tới 8 lần, với tổng cộng hơn 20.000 bản in.
Có lẽ, có một điều mà các tác gia “cổ hủ” nên “học” thế hệ “hot”. Đó là tên sách! Sách nào của các “hot” cũng đều khiến độc giả… sởn da gà. Đó là: “Tự sát”, “Yêu anh bằng tất cả những gì em có”, “Mất anh bởi tất cả những thứ em cho”. “Dịu dàng” hơn thì cũng là: “Anh sẽ yêu em mãi chứ”, “Cho em gần anh thêm chút nữa”, “Nhật ký son môi”, “Là tôi, Hà Anh”…
Chưa hết! Nội dung tác phẩm của các “hot” còn kinh hãi hơn nhiều. Nhẹ nhàng thì cũng là những câu chuyện tự sự, những câu chuyện bên lề để kích thích trí tò mò của độc giả về thế giới showbiz, những chuyện tình yêu, nỗi buồn, nỗi cô đơn để tạo sự đồng cảm. “Máu” hơn thì là những chuyện gây sốc như đồng tính, chuyển giới, trai gọi, sex...
Nghĩ cũng tủi! Ở ta giờ này, một cuốn sách văn học tử tế, được viết trong thời gian hàng năm, thậm chí cả đời một tác giả, in rón rén 1.000-2.000 bản, bán được hết đã là mừng. Trong khi sách của các “hot”, nhiều cuốn chỉ viết trong vài tuần, lâu lắm thì 1-2 tháng, lại chả phải đầu tư đáng kể công sức, lại chả tốn mấy “chất xám”, vẫn bán ầm ầm!
Chả dám bàn thêm về cái sự được-mất, sự hay-dở của “văn học” “hot”. Chả muốn bàn thêm về trách nhiệm của những người quản lý, những người làm văn hóa trước một trào lưu “văn học” ba xu. Chỉ thấy thương cho một thế hệ độc giả không được dạy dỗ tử tế để biết phân biệt giả - thật!
Văn Bằng