CCB Nguyễn Quang Phúc (phải) trao đổi với tác giả về cách trồng, chăm sóc cây nhãn và cây quất cho thu hoạch cao.
Được Phó chủ tịch Hội CCB huyện Đak Pơ (Gia Lai) Nguyễn Văn Triệu giới thiệu về mô hình gia trại khá hiệu quả của doanh nhân CCB Nguyễn Quang Phúc ở xã Phú An đã từ lâu, nhưng mới đây tôi mới có dịp về thăm.
Tôi rất vui khi gặp anh, một người có vóc dáng khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn, tính tình xởi lởi, dễ gần. Sau ít phút trò chuyện với anh, chị trong căn nhà khang trang bên mặt đường 674 ở thôn An Qúy, anh đưa chúng tôi vào thăm gia trại của gia đình.
Theo con đường bê tông khá rộng từ đường 674 chạy vào làng Đê Chơ Gang, hai bên đường là những ngôi nhà sàn của bà con Bar Nah xen lẫn màu xanh của cây trái. Đi khoảng 1km là đến gia trại của anh, ở ngay sát hồ Tờ Đo mới được tỉnh xây dựng để trữ nước phục vụ sản xuất cho bà con.
Anh mở cổng, dẫn chúng tôi đi một vòng thăm khu gia trại. Ngay bên trái là ngôi nhà vườn xinh xắn có đủ tiện nghi sinh hoạt núp dưới bóng những cây nhãn quả trĩu sum suê. Tiếp đến là dãy chuồng nuôi gà Đông Cảo với hàng trăm con đủ loại, từ gà con đang nuôi nhốt trong những gian chuồng đến gà choai, gà chuẩn bị xuất chuồng đang chạy nhảy kiếm mồi khắp khu vườn. Con nào cũng béo mập, lông thưa, da đỏ au, đôi chân to xù xì, chắc nịch.
Nhưng bắt mắt nhất là vườn nhãn mênh mông, với những hàng cây thẳng tắp có hệ thống ống tưới nước tự động đến từng gốc, cây nào cũng sai lúc lỉu. Còn gần hai tháng nữa mới chín mà quả đã khá to. Rồi đến vườn quất cảnh xen kẽ giữa quất trồng với các chậu cây. Cây nào tán cũng tròn đều, lá xanh bóng mượt, búp non tua tủa xen lẫn nụ, hoa và quả non - dáng dấp của những cây quất đẹp vào mùa Tết tới. Tôi thực sự nể phục công sức của anh và gia đình.
Tìm hiểu tôi được biết, để có được thành quả này, ngoài công sức và tiền bạc, thì ý chí vượt khó sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ mà anh được rèn luyện thử thách trong chiến tranh khốc liệt là quyết định.
...Năm 1996, sau khi khảo sát tìm hiểu, doanh nhân CCB Nguyễn Quang Phúc quyết định đưa gia đình từ quê, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vào lập nghiệp ở làng Đê Chơ Gang. Những ngày đầu, ngoài chút vốn liếng ít ỏi mang theo, vợ chồng anh không một tấc đất cắm dùi. Nhưng nhờ một người quen tốt bụng đã cho anh làm chung 9 sào đất trồng táo Gia Lộc. Vừa chăm sóc vườn táo, anh phải vừa tận dụng đất trồng thêm cây ngắn ngày để nuôi 3 con ăn học. Nhờ chăm sóc chu đáo nên táo khá nhiều quả. Song do táo phải thu hoạch lai rai, mất nhiều công nên giá trị kinh tế không cao.
Một thời gian sau, thấy anh có nghị lực và ý chí vươn lên, người chủ đất đã quyết định cho anh làm chủ mảnh đất này. Như được tiếp thêm sức mạnh, anh tập trung ngày đêm khai phá thêm thành 1,3 ha.
“Đất ở đây quá cằn cỗi, nhiều cát sỏi. Nhiều người đến đây canh tác đã bỏ cuộc. Chính tôi cũng có lúc định bỏ cuộc. Nhưng thấy hồ Tờ Đo cứ cuối mùa mưa nước cạn là lộ ra lớp bùn đen mịn khá dày. Tôi nghĩ ngay, đây sẽ là nguồn nước và phù sa màu mỡ bù đắp cho mảnh đất bạc màu khô khát của mình…” - anh Triệu nhớ lại.
Đã có hướng cải tạo đất, anh quyết định về quê đưa cây nhãn Hương Chi (một dòng của giống nhãn lồng Hưng Yên) và cây quất cảnh, là hai cây đặc sản của quê hương vào trồng thử nghiệm.
Cứ mỗi hố trồng nhãn anh lót 1m3 bùn đã phơi khô… Ròng rã 3 năm sau anh mới trồng xong 210 cây nhãn trên diện tích 1ha. Cây quất thì trải bùn đã phơi khô còn phải trộn thêm cả mùn hỗn hợp mới trồng được. Do nắm chắc kỹ thuật chăm sóc nên vườn cây của anh phát triển khá đều; nhãn thì cây nào cành cũng xòe rộng, tán tròn sum suê; quất cũng lớn mau, lá xanh thẫm.
Nhận thấy hai loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Đê Chơ Gang, anh tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm trong vùng để áp dụng vào vườn cây của mình. Sau 4 năm, nhãn ra quả. Anh rất mừng là nhãn vẫn giữ được những đặc tính vốn có của nó và chín rộ vào trung tuần tháng 7 âm lịch, quả to tròn đều, lại sai, được nhiều người ưa chuộng.
Giống nhãn thường “năm được năm mất”, nhưng với anh, do cần cù lại ham học hỏi dám nghĩ dám làm và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt mà vườn nhãn năm nào cũng được mùa, năm sau cao hơn năm trước.
Anh còn có bí quyết hãm cho cây nhãn ra quả theo ý muốn… “Với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng quả nhãn luôn đảm bảo nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thương lái nhiều nơi đến tận vườn thu mua. Không chỉ tiêu thụ ở thị trường Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Đà Nẵng mà nhãn của gia đình tôi còn được đưa sang cả Lào và Campuchia” - anh cho biết.
Năm 2020, ngoài nhãn trái vụ đã thu 2 tấn quả, giá bán 35.000 đ/kg, vườn nhãn chính vụ dự kiến 20 tấn và 500 cây quất cảnh đang rất đẹp… sẽ mang lại cho gia đình anh nguồn thu không nhỏ.
Phó chủ tịch Hội CCB huyện Đak Pơ ghi nhận: “Đồng chí Nguyễn Quang Phúc không chỉ là doanh nhân CCB làm kinh tế giỏi, mà còn là người đầu tiên mang cây nhãn vào trồng thành công trên đất Tây Nguyên, Nhiều đoàn kinh tế thuộc các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã đến học hỏi kinh nghệm, mua con giống về trồng”.
Hùng Tấn