Hội CCB phường Văn Miếu, quận Đống Đa, T.P Hà Nội có 21 hội viên tích cực tham gia Tổ Covid cộng đồng, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giãn cách xã hội, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ…
Vừa qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình, làm cơ sở để các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng; một số địa phương còn chủ quan dẫn đến tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Trong thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, vì vậy cần thiết xây dựng hệ thống thiết chế xã hội mới với các quy định để điều chỉnh hành vi của từng cá nhân, mọi tổ chức và đáp ứng trạng thái “bình thường mới” với các nhu cầu xã hội cơ bản như: Giao tiếp, sản xuất và sản phẩm dịch vụ, phân phối các sản phẩm và dịch vụ hàng hóa, bảo vệ các thành viên khỏi tác động của thiên nhiên, bệnh tật và nguy hiểm khác; kiểm soát hành vi.
Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó T.P Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.
Chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, 209 quận, huyện, thị xã và 1.060 xã phường, thị trấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh: “Chúng ta đã hy sinh kinh tế - xã hội trong việc giãn cách, thực hiện nghiêm việc không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở yên đấy thì phải đổi lại phải kiểm soát được tình hình”. Thủ tướng cũng ban hành các Công điện 1099, 1102 về việc tăng cường thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, điểm rất mới là phương châm lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm "pháo đài", mỗi người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng chống dịch.
Do chưa chủ động được nguồn vắc-xin, trong quá trình chờ phổ cập tiêm chủng nhằm đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội; các giải pháp về y tế; đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội; vận động, huy động nguồn lực xã hội; duy trì sản xuất và lưu thông hàng hóa và tăng cường truyền thông phòng, chống dịch Covid-19... Tuy nhiên, để tránh tình trạng “rối” trong thực hiện, các tỉnh, thành phố trong thời gian giãn cách cần nghiên cứu kỹ các giải pháp trước khi công bố tránh gây bức xúc cho người dân. Như T.P Hồ Chí Minh, sau thời gian ngắn người giao hàng đi làm thì nay đã cho phép họ hoạt động trở lại ở các “vùng đỏ” như quận 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú... sau tình trạng “bom” hàng của người dân đặt hàng. Đây là lực lượng đi chợ hộ chuyên nghiệp, có phương tiện, thông thạo đường phố.
Bộ Y tế cũng cần đưa ra các phương án mang tính nhất quán để giúp các địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch như: Có nên cách ly tập trung F1, trong khi tại một số tỉnh miền Nam đã cho F0 điều trị tại nhà có sự giám sát của bác sĩ? Có nên để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nhà nhằm tránh tập trung đông người? Biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho lực lượng trực tại các chốt, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người?...
Các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ tối đa các địa phương, các đơn vị sản xuất thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người dân; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại từng địa phương, từng lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, hoạt động khai giảng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương cần bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực.
Theo Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), trong số các bệnh nhân đang điều trị (gồm bệnh nhân đợt dịch thứ 3 và đợt dịch thứ 4) có gần 65% bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện lâm sàng, hoặc có triệu chứng nhẹ và tự khỏi. Vì vậy, mọi người không nên quá lo lắng, nhưng để bảo vệ người thân và cộng đồng, nhất là những người có bệnh nền, mỗi người cần thực hiện nghiêm túc 5K. Để tăng cường sức đề kháng, nhất là với những người trong khu vực cách ly, có nguy cơ lây nhiễm cao, ngoài việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thì yếu tố tinh thần cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cho người dân. Mỗi người dân là một “chiến sĩ” cần điều chỉnh hành vi để thích nghi với điều kiện sống mới.
Đối phó với dịch bệnh Covid-19 bằng biện pháp giãn cách xã hội chỉ mang tính khẩn cấp, không thể kéo dài, trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp, khó dự liệu, do đó việc chuẩn bị phương án cho trạng thái “bình thường mới” nhằm “chung sống” với dịch bệnh là điều cần thiết và mang lại sự ổn định cho xã hội.
Hồ Thanh Hương