Lễ mừng thọ đầu năm được tổ chức trang trọng, đầm ấm ở nhiều nơi.
Cũng như các nơi khác, nét đẹp tôn trọng người già ở quê tôi đã có từ xa xưa. “Triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ”. Đó là chuẩn mực đạo đức của con người trước đây cũng như ngày nay vậy.
Từ xưa, ở làng Phú Đa (xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) quê tôi thường lấy ngày mồng bảy tháng giêng yến lão các cụ tại đình làng. Theo quy định, hương lão 60 tuổi, quốc lão (trung thọ) 70 tuổi, vương lão (thượng thọ) 80 tuổi, thượng thượng thọ 90 tuổi, đại thọ 100 tuổi, từ đó trở lên gọi là đại đại thọ.
Đến ngày mồng 7 Tết Nguyên đán, các cụ được đón rước về đình làng yến lão. Từ tuổi thượng thọ trở lên, có kiệu, tàn lõng che, chiêng trống, bát âm tiến tước rước rất uy nghi. Chỗ ngồi các cụ được xếp đặt theo thứ bậc rất trịnh trọng. Người cao tuổi nhất (thủ chỉ) ngồi trên cùng. Người ít tuổi ngồi dưới. Các chức sắc trong làng ngồi hai bên theo thứ tự tuổi tác (dĩ xỉ lễ tọa).
Cỗ yến được quy định: Từ “thượng thọ” trở lên mỗi người một cỗ. Tuổi 70 ngồi đôi, tuổi 60 thì 3 người ngồi một cỗ. Cỗ yến bày biện gồm có giò, chả, nem, mọc… và các loại bánh làm bằng bột nếp nặn theo hình vuông, hình tròn, rồi lấy vừng vàng rải hình chữ “Thọ”, chữ “Phúc” lên mặt bánh.
Tan cuộc yến, con cháu rước các cụ về nhà và mừng thọ theo từng gia đình, với tinh thần: “Giàu làm kép, hẹp làm đơn”.
Tục lễ mừng thọ là truyền thống thuần phong mỹ tục tôn trọng người già, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta. Đó là nét đẹp văn hóa ứng xử, nhằm động viên các cụ sống khỏe, sống vui cùng con cháu. Đồng thời cũng là cách giáo dục đạo lý làm người cho các thế hệ kế tiếp mai sau.
Ngày nay, chúng ta vẫn bảo lưu truyền thống tốt đẹp đó. Nhân dịp đầu Xuân, cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức từng đoàn đến thăm hỏi, chúc sức khỏe các bậc cao niên, các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Việc tổ chức tri niên - các cụ tập trung tại xã, nhưng thấy không phù hợp với sức khỏe của các bậc cao niên, nên chuyển về khu vực xóm. Đã trở thành nếp, cứ đến ngày mồng 6 Tết, các cụ tập trung tại một địa điểm trong xóm. Đúng 14 giờ, khi đài truyền thanh xã nổi một hồi trống hiệu lệnh, nối tiếp bài “Chúc ước” được cất lên theo tiếng trống chầu điểm xuyết, các cụ xuất phát theo điệu nhạc rước, tiến về Nhà văn hóa xóm để làm lễ thọ.
Dọc đường đi, các cụ ông, cụ bà đều có con cháu bưng mâm hoa quả, trầu rượu và câu đối mừng thọ đi sau. Đoàn người đi từng hàng lối tăm tắp, ăn mặc chỉnh tề, đủ màu sắc rực rỡ. Cờ Tổ quốc, cờ ngũ hành, trống chiêng, đội “múa sinh tiền”, vừa đi vừa nhảy theo điệu vũ nhịp nhàng, làm náo nhiệt cả một vùng.
Thọ trường được trang hoàng lộng lẫy. Những bức trướng “thọ ngôn” viết bằng chữ vàng nổi bật trên nền lụa đỏ tươi; các bài thơ, câu đối mừng thọ các cụ, được Ban tổ chức trang trí xung quanh, trông thật tưng bừng, rạng rỡ.
Vào buổi lễ, các cụ ngồi theo thứ tự từng lứa tuổi, được Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cử người phục vụ chu đáo. Cụ cao tuổi nhất được mời lên cùng đại diện Ban tổ chức kính cẩn dâng hương lên chân dung Bác Hồ. Sau đó, Trưởng ban tổ chức đọc thư Bác Hồ gửi các cụ phụ lão năm 1941, thư Chủ tịch nước, tỉnh, huyện, xã gửi chúc thọ các cụ đầu năm mới. Tiếp theo, Ban tổ chức mời người có giọng tốt lên bình bài “Chúc ước” theo làn điệu bình phúc, ca trù, có trống chầu điểm xuyết, nghe thật vui tai. Tiệc yến gồm hoa quả, bánh kẹo, trà nước, rượu thọ. Các tiết mục văn nghệ đan xen, làm cho không khí thọ trường vui nhộn, rộn ràng...
Mừng thọ tại gia cũng thật vui tươi đầm ấm. Các cụ tuổi chẵn 60, 70, 80… được các đại biểu chi hội Người cao tuổi, Tổ công tác Mặt trận xóm đến trao Bằng “Mừng thọ” của T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam và quà tặng của Hội, Mặt trận xã, huyện, tỉnh cho người “đại thọ” trăm tuổi trở lên.
Cha mẹ mặc quần áo lụa điều, ngồi bên bàn đào với mâm hoa quả, trầu cau, bánh kẹo, trà nước, rượu thọ mừng và đón tiếp khách. Anh em, con cháu, khách, họ hàng, làng xóm lần lượt đến vui Xuân khánh thọ. Người này về, người khác đến, không tụ hội, không tiệc tùng yến ẩm.
Xong mấy ngày Tết là hết mừng thọ. Tục lễ mừng thọ ở quê tôi thật sự vui tươi, nhẹ nhàng thoải mái và rất tiết kiệm, đã trở thành nền nếp quen thuộc bấy lâu nay ở xã Quỳnh Bảng.
Hoàng Lan