Theo báo cáo của HSBC, đến năm 2050, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế hàng đầu thế giới, theo sau là Mỹ. Đây không phải là điều bất ngờ, bởi kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách vào những năm 1980, các chuyên gia kinh tế đã nhận định: kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, dự báo của HSBC cũng cho thấy một số quốc gia đang phát triển sẽ gây bất ngờ. Đến năm 2050, Philippines có thể tăng 27 bậc trở thành nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới. Peru với tốc độ tăng trưởng 5,5% một năm cũng sẽ tăng 20 bậc vươn lên vị trí thứ 26, vượt qua cả Iran, Colombia và Thụy Sĩ.
Những quốc gia có tiến bộ đáng kể khác sẽ là Ai Cập - tăng 15 bậc lên vị trí thứ 20, Nigeria - tăng 9 bậc lên vị trí thứ 37, Thổ Nhĩ Kỳ giữ vị trí thứ 12, tăng 6 bậc, Malaysia - tăng 17 bậc lên vị trí thứ 21 và Ukraine ở vị trí thứ 45, tăng 19 bậc.
Lực lượng lao động của Nhật Bản sẽ suy giảm 37% - mức cao nhất thế giới - vào năm 2050. Song, HSBC nhận định đây vẫn là một trong những nền kinh tế hàng đầu, chỉ tụt một bậc xuống vị trí thứ 4. Thay thế Nhật Bản để đứng ở vị trí thứ 3 là Ấn Độ.
Theo HSBC, trong 40 năm tới, các nền kinh tế phát triển ở Châu Âu sẽ tụt hạng do lực lượng lao động giảm và sự vươn lên của các nước đang phát triển. Chỉ có 5 nền kinh tế của khu vực này nằm trong top 20, trong khi hiện tại là 8 nước.
Xuống hạng nhiều nhất là các nước Bắc Âu, bao gồm Đan Mạch ở vị trí thứ 56, giảm 29 bậc, Na Uy ở vị trí thứ 48, giảm 22 bậc, Thụy Điển ở vị trí thứ 38, giảm 20 bậc và Phần Lan ở vị trí thứ 57, giảm 19 bậc.
Cũng theo bản báo cáo, quy mô của lực lượng lao động cùng những cơ hội để tận dụng nhân tố này sẽ quyết định xu hướng kinh tế về dài hạn. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như: cơ hội học tập, chế độ dân chủ và hệ thống luật mạnh mẽ - yếu tố đưa Trung Quốc và Ảrập Xêút lên vị trí cao trong danh sách. Nguyên nhân chính kìm hãm các nền kinh tế là chiến tranh, hạn chế về tiêu thụ năng lượng, biến đổi khí hậu và các rào cản di dân qua biên giới.
Quỳnh Anh (TH)