CCB Nguyễn Công Trung.
Đã 38 năm trôi qua, thế mà khi nhắc lại, những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59, Sư đoàn 302 tham gia trận đánh ấy đều nhớ rõ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Họ đã ám ảnh về trận đánh “nhớ đời” ấy.
Chuyện hôm nay… dẫn đến ngày xưa!
Từ một đơn thư của Hội Bảo trợ thân nhân các gia đình liệt sĩ Việt Nam, tôi đi xác minh để viết bài. Qua câu chuyện, tôi được gặp chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ của Tiều đoàn 59, nghe họ kể lại trận đánh “nhớ đời” của năm tháng xa xưa ấy…
Năm 1982, tôi cùng đơn vị sang làm nhiệm vụ giúp bạn ở Campuchia, gặp chú Nguyễn Minh Quang (Tư Quang) thì ông đã là Đại tá, Anh hùng LLVTND (năm 1978), Sư đoàn trưởng Sư đoàn 302 - một sư đoàn nổi tiếng của Quân đoàn 4, đang làm nhiệm vụ quốc tế trên địa bàn tỉnh Siêm Riệp.
Lần gặp này, khi tôi gợi chuyện, nhắc lại những kỷ niệm thời khoác áo lính, thì trông ông như một con người khác: Nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên dẫu đã vào tuổi 93!
Được hỏi về những trận đánh thời đánh Pôn Pốt ở chiến trường K, ông Quang nói: “Thời ấy, tao đã là Chính ủy, rồi Sư đoàn trưởng nên không trực tiếp cầm súng đánh nhau như bọn bây. Nhưng, tao nhớ có trận này rất đau, là bài học xương máu của đơn vị… Có một CCB, hiện đang ở gần đây, cũng hay ghé thăm tao... Để tao gọi đến sẽ kể về trận đánh ấy! Đó là một chiến sĩ gan dạ, một tay súng cừ khôi của “thằng năm chín” (d59) - Thượng sĩ Nguyễn Công Trung.
Gặp Nguyễn Công Trung, CCB, Thượng sĩ, lính d59-f302 ngày ấy, được biết, Trung tình nguyện nhập ngũ năm 1982. Sau 3 tháng huấn luyện, Trung được đưa sang chiến trường K, bổ sung về Sư đoàn 302 đang làm nhiệm vụ tại Siêm Riệp. Trung được biên chế thuộc Trung đoàn 88, một đơn vị Anh hùng của f302 - Mặt trận 479. Sau 1 năm, Trung đã là trung đội phó phụ trách thông tin của d59. Tôi nói, muốn nghe Trung kể về một trận đánh nào đáng nhớ nhất… Trung chậm rãi nói: “Tôi nhớ đâu, kể đó, chắc chắn tình tiết trận đánh sẽ thiếu. Có rất nhiều trận, nhưng không hiểu sao, chỉ trận đánh “nhớ đời” ấy ám ảnh tôi mãi cho đến tận bây giờ!”.
Trận đánh “nhớ đời” - bị phản phục kích!
Từ một nguồn tin của bên quân đội bạn báo lại, có một đơn vị tàn quân vài trăm tên địch từ bên biên giới Thái Lan kéo về trú đóng trong phum T’ram SoSo, huyện S’rai S’num, trông có vẻ đói rách, thiếu thuốc men, lương thực, nhưng vũ khí rất nhiều! Tiểu đoàn 59 khai thác thông tin từ dân, điều tra từ nguồn bộ đội bạn, kiểm chứng nguồn tin và cả trinh sát đi nắm tình hình báo về. Chỉ huy tiểu đoàn nhận định, có thể đây là một đơn vị cấp tiểu đoàn của địch, bị mất sức chiến đấu, từ bên rừng biên giới Thái kéo về phum để an dưỡng, phục hồi sức chiến đấu và bổ sung quân số từ nguồn con em nông dân trong phum!
Ban Chỉ huy d59 xin lệnh trực tiếp từ Sư đoàn, cho đơn vị tổ chức bí mật, vây ráp, tấn công vào giờ G - 5 giờ ngày 11-10-1984. Cấp trên đồng ý và có phương án tiếp ứng khi d59 nổ súng. Phối thuộc cùng d59 trong trận này có 3 đại đội bạn, khoảng 200 quân thuộc Huyện đội S’ray-S’num. Quân tình nguyện Việt Nam, với quân số cấp tiểu đoàn, trang bị 3 khẩu đội Cối 82ly, pháo ĐKZ-82, súng máy 12,8 ly và 3 đại đội bộ binh đầy đủ quân sẵn sàng xung trận!
Hành quân cả đêm, đơn vị đến địa điểm lúc 4 giờ sáng, cả đơn vị chỉ chờ giờ G là nổ súng phủ đầu, tràn vào phum tiêu diệt địch, thu dọn chiến trường, chiến lợi phẩm và rút!
Kịch bản là vậy, ai ngờ khi quân ta vừa nổ loạt đạn đầu, thì… từ sau lưng đội hình của ta, địch như trồi từ dưới đất lên, tập trung hỏa lực bắn vào các điểm quân ta đang ém quân…
Cả Tiểu đoàn 59 cùng tiểu đoàn quân Huyện đội của bạn rối loạn đội hình, mất phương hướng và mạnh ai nấy bắn. Sau đó, từng tốp bộ đội bạn bỏ chạy ngay sau khi bị phản kích càng làm rối thêm tình hình, nhiều anh em trúng đạn tử vong, nhiều thương binh không có người cấp cứu! Sau 10 phút giao tranh, đội hình của bạn tan tác. Lúc ấy, khẩu đội 12,8 ly của Tiểu đoàn 59 trên bờ đê cũng chưa kịp khai hỏa được loạt đạn nào vì hỏa lực địch quá mạnh và địch chủ động bắn áp đảo vào các điểm hỏa lực của ta.
Vào thời khắc sinh tử ấy, Thượng úy Sớm - Tiểu đoàn phó, chạy ngang qua khẩu đội 12,8 ly, hét to ra lệnh: “Tháo súng,… rút quân, không để vũ khí rơi vào tay địch!”. Lúc này, Nguyễn Công Trung thuộc khẩu đội 12,8 ly, anh nghĩ nhanh… chạy không thoát, cũng chết. Không làm theo lệnh chỉ huy, Trung liền cầm khấu AK nổ liền mấy loạt, vừa trấn an tinh thần chính mình và anh em… Trung hét lớn: “Ai bỏ chạy, tôi bắn!” và ra lệnh khẩu đội phải nổ súng về phía địch và chính anh nhanh chóng lao vào ngay vị trí bắn 12,8ly. Trung xoay nòng súng vào những điểm khai hỏa ĐKZ, 12,7 ly, B41 của địch… Đứng thẳng lưng trên bờ đê, Trung bóp cò điểm xạ, nổ từng loạt đạn… dũng mãnh vào quân địch! Anh em thấy vậy liền tiếp đạn, lắp đạn cho Trung bắn. Chính những loạt đạn uy lực, dũng mãnh của khẩu đội 12,8 ly này mà hỏa lực của địch chùng hẳn xuống. Thời khắc quan trọng ấy tạo cơ hội cho anh em bộ binh vừa chạy vừa bắn, vừa rút dần về phía rừng tre ở phía sau lưng…
Thế trận đã xoay chiều, Trung lấy lại sự bình tĩnh hơn, anh trút từng loạt đạn vào các điểm của địch, đối đầu trực diện với địch không nao núng… Sau chừng 20 phút, đạn cũng cạn… Anh em đơn vị kịp chạy gần hết vào rừng. Lúc này Trung ra lệnh anh em tháo súng và cùng đồng đội vác súng rút sau cùng...
Trận ấy, Tiểu đoàn 59 có 11 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. 5 ngày sau, các đơn vị của Sư đoàn về tăng cường mới quay lại trận địa để lấy xác anh em…
Theo lời kể của CCB Ngô Văn Ánh (tỉnh Bắc Giang - nguyên Tiểu đoàn trưởng d59: “Trận đánh ấy là nỗi đau, nỗi buồn lớn của đơn vị tôi. Thời điểm của trận đánh đó, tôi đang đi phép năm về thăm nhà. Khi tôi hết phép, trở lại đơn vị là khoảng 2 tuần sau trận đánh thất bại. Sư đoàn đã tổ chức kiểm điểm rất nhiều lần, mổ xẻ nguyên nhân thất bại…
Anh Ánh nói thêm: “Nếu trận ấy, Nguyễn Công Trung không chống lệnh chỉ huy để bắn trả lại địch, chắc chắn quân ta còn thiệt hại nặng nề hơn nữa…”.
Sau trận đó, Trung được phong vượt cấp, được đề nghị phát triển sĩ quan chỉ huy tại chỗ, được biểu dương tại đơn vị .
Đã gần 40 năm ngày rời xa màu áo lính… Thế nhưng, khi gặp Công Trung, vẫn với chiếc áo lính bạc màu của một CCB cùng những công việc hỗ trợ, giúp đồng đội trong nhiều công việc đời thường.
CCB Nguyễn Công Trung nói: “Không làm sao quên được những năm tháng ở chiến trường K, nơi tôi và đồng đội một thời gian khổ, không làm sao kể hết được. Máu thịt tôi và đồng đội đã đổ ra không vô nghĩa, góp phần đem lại sự yên bình cho nhân dân đất nước bạn. Tôi và các đồng đội muốn kể lại trận đánh ấy, một kỷ niệm máu xương, một kỷ niệm buồn… Thế nhưng, đó chính là bài học xương máu nhớ đời, một bài học mất cảnh giác mà chúng tôi đã phải học và trưởng thành, lớn lên hằng ngày…”.
Hiện nay, CCB Nguyễn Công Trung là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Trưởng đoàn thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam.
Bài viết này là một nén hương lòng, xin thắp lên để tưởng nhớ đến các anh em Tiểu đoàn 59 đã hy sinh trong trận đánh ấy và nhiều đồng đội đã ngã xuống trên đất nước Ăng-Kor trong cuộc chiến 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế .
Bài và ảnh: Lê Thanh Hoàng