Nhà giáo Nguyễn Phụng
Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng quê hương, thầy Nguyễn Phụng thường kể lại một sự kiện rất khó quên của bản thân trong ngày vui đại thắng (30-4-1975).
Câu chuyện lần này được thầy kể lại: Khi quê hương vừa giải phóng, cũng như khắp nơi trong cả nước, tại huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quang Nam), mọi người đang náo nức đón mừng Quân giải phóng với đủ loại băng, cờ rợp bóng các nẻo đường. Tất cả những cơ sở vật chất, nơi làm việc, những khu quân sự, dân sự... của Mỹ - ngụy vẫn còn nguyên vẹn, chỉ khác là những nơi ấy đang tung bay cờ Giải phóng và ảnh Bác Hồ cùng bao niềm hân hoan trên nét mặt mọi người! Hòa chung với không khí tưng bừng của ngày vui đại thắng, tôi (Nguyễn Phụng) kiểm tra lại chiếc xe đạp của mình và ung dung đi theo con đường rực rỡ cờ, hoa... Tôi muốn tìm gặp những người thân quen từ miền Bắc tập kết mới trở về và đến thăm một số gia đình có người thân vừa được đoàn tụ.
Đang đạp xe đi, tâm hồn thanh thản, lòng rộn ràng niềm vui, bỗng, từ phía trước có hai du kích đội mũ tai bèo, đi ngược chiều, vai mang súng, đưa tay ngăn tôi lại, vẻ mặt nghiêm nghị. Một người bước lại sát tôi và nói: “Ông là Nguyễn Phụng làm y tế cho ngụy phải không?”. Câu hỏi ngắn gọn “làm cho ngụy” quá bất ngờ khiến tôi bị choáng. Tuy vậy, tôi cũng lấy lại được bình tĩnh và trả lời: “Đúng, tôi là Nguyễn Phụng đây, các anh hỏi tôi chi vậy?”. Một anh bước tới sát trước mặt tôi, tay nắm chặt dây đeo súng rồi bảo: “Ông hãy đi theo tôi trình diện Ủy ban Quân quản”. Nghe hai tiếng “trình diện”, tôi thật bối rối thêm, nhưng không chút chậm trễ, tôi bước theo hai người du kích lạ! Lúc này có mấy người đứng bên kia đường, thấy tôi đang đi giữa hai du kích, ai nấy đầy vẻ lo ngại.
Đi hết đoạn quốc lộ 1A, hai du kích rẽ vào đoạn đường cát, đến một xóm nhỏ có ngôi nhà, phía trước sân nhà đang treo một lá cờ Giải phóng. Lúc này đã cuối mùa xuân, thời tiết vẫn còn hơi lạnh, nhưng trán tôi lấm tấm mồ hôi... Tôi thầm nghĩ: “Có phải mình bị bắt và vì sao mấy ổng lại bắt mình, hay có ai hoài nghi bịa ra cho mình chuyện gì?”. Tôi tự kiểm tra lại bản thân, mình có làm gì phản cách mạng không, rồi tự khẳng định: “Thời chống Pháp, mình là giáo viên phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; sau năm 1954, không tham gia tập kết được, mình phải ở lại địa phương; chính quyền Sài Gòn không cho làm thầy dạy học, nên phải chuyển nghề làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân và tham gia tiếp tế, nuôi giấu cán bộ thoát lý hoạt động cách mạng...!”. Tuy nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn băn khoăn!
Hai du kích ra hiệu cho tôi đứng lại giữa hai bên hàng cây đang xơ xác, vì vết tàn phá của chiến tranh. Một anh du kích nói với người đồng đội: “Đồng chí vô xin ý kiến Thủ trưởng đưa ông này vào!”. Chưa hết nỗi lo này lại đến bất ngờ khác; hai từ “Thủ trưởng” chưa từng nghe bao giờ, làm tôi càng bối rối thêm. Tôi cố tự trấn an mình: “Hãy tin vào cách mạng thôi!”.
Lúc này, ngồi trong ngôi nhà tranh là một thanh niên chừng 30 tuổi, mặc quân phục lộ màu da sạm nắng, khẩu súng lục đeo ở thắt lưng, dáng vẻ nhanh nhẹn. Người du kích đứng nghiêm đưa tay chào người đang ngồi tại bàn làm việc: “Báo cáo thủ trưởng, Tổ du kích đã đưa ông Nguyễn Phụng đến trình diện!”. Nhìn dáng “thủ trưởng’, tôi nhận ra một khuôn mặt hơi quen, nhưng lâu quá không nhớ tên và quê quán, dù vậy tôi vẫn mang máng là mình đã từng dạy cậu này ở lớp 3 thời kháng chiến chín năm.
Khác với suy nghĩ về một “thủ trưởng” như tôi đã hình dung khi nghe người du kích gọi, người thủ trưởng nhìn tôi rất thân thiện, khiến tôi thật ngỡ ngàng và mọi sự lo âu bỗng tan biến hết. Hình ảnh người học trò 20 năm trước đang hiện về trong trí nhớ của tôi. Một học sinh lớp 3 nhà rất nghèo, quanh năm đi học chân đất và bốn mùa chỉ mặc một bộ đồ vải ta đen, vá víu nhiều chỗ, nhưng học rất giỏi, ham thích lao động và rất năng động với các môn thể thao, tính nết ngoan hiền, nên được các thầy, cô và bạn bè quý mến. Rồi cậu ta đứng lên, lễ phép: “Thưa thầy, em là Tâm đây! Sau ngày giải phóng quê hương, em định ghé thăm thầy nhưng công tác quá bận rộn, mong thầy thông cảm và tha lỗi cho...! Em rất mừng khi gặp lại thầy, biết được thầy vẫn khỏe và có tinh thần phục vụ nhân dân”. Nói đến đó, Tâm ôm chặt lấy tôi.
Thấy Tâm ôm tôi, gọi tôi bằng “thầy”, hai anh du kích nhìn ngơ ngác và tỏ thái độ rất lễ phép với tôi, không có vẻ nghiêm nghị như khi họ dẫn tôi đi trên đường. Về phần mình, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm khi đứng trước một học trò ngoan hiền năm xưa với bao niềm cảm mến. Thầy trò gặp nhau mừng vui khôn tả sau bao năm chiến tranh xa cách...
Trong lúc hàn huyên, mới hay người học trò Nguyễn Văn Tâm, là Huyện đội trưởng huyện Nam Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tôi cũng kể tóm lược về mình: Thời kháng chiến chống Pháp, tôi là Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Tam Hiệp, huyện Tam Kỳ. Sau Hiệp định Genevơ, tôi không tập kết ra Bắc, ở lại miền Nam. Vì chính quyền Sài Gòn không cho làm nghề giáo, sợ tôi truyền bá tư tưởng Cộng sản nên tôi phải chuyển sang làm nghề thầy thuốc để có điều kiện phục vụ nhân dân. Sau khi nước nhà thống nhất, tôi tham gia hoạt động xã hội tại địa phương và trực tiếp làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Núi Thành. Đến nay, tuy chân yếu mắt mờ, nhưng tôi vẫn giữ tròn đạo nghĩa trong sự nghiệp trồng người và phẩm chất y đức.
Còn người học trò Nguyễn Văn Tâm năm xưa, trước khi nghỉ hưu sinh sống ở Đà Nẵng, là Đại tá, Chỉ huy trường Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam.
Huy Hoàng ghi theo lời kể của thầy Nguyễn Phụng