Các tướng lĩnh có nhiều kỷ niệm với Đại tướng như Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Thành Tâm, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB TP Hồ Chí Minh; Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó giám đốc Học viện Lục quân… đến viếng từ sáng sớm. Chúng tôi gặp Trung tướng Lê Nam Phong cùng các sĩ quan đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mặc quân phục chỉnh tề, trên ngực lấp lánh huân chương và huy hiệu CCB cùng một đoàn vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau lễ viếng, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay đã ngoài 70, 80 tuổi quây quần bên nhau ôn lại những kỷ niệm thời trong quân ngũ được vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung tướng Lê Nam Phong kể rằng, trong cuộc đời binh nghiệp hơn 50 năm, ông được gặp Đại tướng nhiều lần. Lần đầu khi Đại tướng đến dự lễ thành lập Sư đoàn 308, Đại đoàn Quân Tiên phong năm 1949; tiếp đến chiến dịch Biên Giới năm 1950 và trong chiến dịch Điện Biên Phủ được đón Đại tướng đến thăm đại đội sau chiến thắng Mường Phăng. Khi Đại tướng đến thăm đơn vị, thấy tất cả bộ đội đều cạo trọc đầu nên hỏi Đại đội trưởng Lê Nam Phong về nguyên nhân. Đồng chí Phong trả lời là do đơn vị phải đào hầm hào dài ngày vây lấn địch nên anh em cạo trọc đầu cho sạch và tắm rửa cho nhanh. Đại tướng cười vui, khen ngợi cách làm hay và đặt tên cho đơn vị là “Đại đội đầu trọc!”. Kỷ niệm này được Đại tướng nhắc lại khi vào thăm Trường sĩ quan Lục quân 2 năm 1997 do Trung tướng Lê Nam Phong làm Hiệu trưởng.
Là cán bộ chỉ huy đơn vị từ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đến chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975, Trung tướng Lê Nam Phong rất khâm phục tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng nhận chỉ thị của Bác Hồ “Phải chắc thắng mới đánh”, nên đã quyết định thay đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” và đã giành thắng lợi. Quyết định này xuất phát từ lòng thương dân, yêu lính của Đại tướng, bởi không thể chiến thắng bằng mọi giá, không thể đánh đổi xương máu của chiến sĩ để làm nên chiến thắng. Và chính từ lòng thương dân, yêu lính, cộng với trí tuệ của một thiên tài quân sự của Đại tướng, đã thuyết phục được cả tập thể và cố vấn quân sự nước ngoài chuyển đổi cách đánh, giành thắng lợi lẫy lừng Điện Biên Phủ… Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Nam Phong là Chỉ huy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, cùng các đơn vị đã thực hiện nghiêm mật lệnh của Đại tướng “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, tấn công đập tan các tuyến phòng thủ của kẻ địch, tiến về Sài gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng như Trung tướng Lê Nam Phong, bác sĩ, Đại tá Sái Văn Thế, năm nay 81 tuổi, ở phường 3, quận Gò Vấp, trước đây là một trong những thành viên của Tổ y tế đặc biệt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ năm 1969, nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tình cảm thiêng liêng bày tỏ lòng tiếc thương vị tướng tài ba, bình dị, nhân hậu đã qua đời, từ sáng 10-10-2013, ông Thế đã dọn dẹp phòng khách, đặt trang trọng bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với dòng chữ “Hào khí trăm năm”. Ông nhờ con rể là Chánh văn phòng Tổng công ty may X28 phóng to hai tấm ảnh Đại tướng lồng trong khung kính đặt giữa bàn thờ và bên cạnh là cái bàn để cuốn sổ cho người đến viếng ghi cảm tưởng.
Từ khi bàn thờ được lập, rất nhiều y, bác sĩ đã và đang làm việc tại Viện Quân y 175 (nơi bác sĩ Thế công tác cho đến lúc nghỉ hưu) đến viếng Đại tướng. Nhiều đồng nghiệp của ông còn mang ảnh của mình được vinh dự chụp với Đại tướng để ôn lại chuyện xưa với lòng thành kính sâu sắc. Ngoài ra rất đông bà con khu phố và các sinh viên ngành y đang thực tập tại Viện Quân y 175 cũng đến kính cẩn thắp hương tưởng niệm trước bàn thờ Đại tướng. Bác sĩ Thế nhìn di ảnh Đại tướng giọng đầy xúc động kể: “Tôi vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần khi đang làm việc tại Bệnh viện T.Ư quân đội 108 và trong Tổ y tế đặc biệt phục vụ Bác Hồ. Tổ chúng tôi được Đại tướng dặn dò rất kỹ về việc chăm sóc sức khỏe của Bác Hồ sao cho chu đáo nhất. Đại tướng là người rất hiền hậu, chân thành, quý mến đồng đội như thân nhân trong gia đình. Với tấm lòng ngưỡng mộ, biết ơn Đại tướng đối với dân, với nước nên tôi lập bàn thờ tại nhà riêng để thờ phụng vị danh tướng thiên tài của dân tộc”.
Bài và ảnh: Thành Viên