Đó là việc liên quan đến thương vụ cho vay vốn lưu động để hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng sau đó do không có khả năng thanh toán đã được “sáng tạo” chuyển sang khoản “đầu tư” để hợp thức che mắt các cổ đông...
Ngày 1-6-2009, Sở KHĐT tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế công ty CP lần đầu số 0900243397 cho Công ty CP Dầu khí An Thịnh (ATC). Theo đó, ATC được chuyển đổi từ Công ty TNHH 1 thành viên Thiên Quan 1, số ĐKKD 0900243397 do Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KHĐT tỉnh Hưng Yên cấp ngày 30-12-2005, có vốn điều lệ chỉ là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 16-4-2010, ATC thay đổi đăng ký kinh doanh lần 1, khi đó nhận sáp nhập luôn cả Công ty CP Công nghiệp Thiên Quan, (ĐKKD số 0103006194 do Sở KHĐT TP. Hà Nội cấp ngày 17-12-2004). Điều đáng nói, khi nhận sáp nhập, tổng vốn điều lệ của ATC được tăng “đột biến” lên thành 61 tỷ đồng.
Theo một số tài liệu, thực chất số vốn điều lệ 61 tỷ đồng này được hình thành từ: “Vốn điều lệ của ATC theo Giấy chứng nhận ĐKKD cấp lần đầu ngày 1-6-2009 là 1 tỷ đồng; nhận sáp nhập Công ty CP Công nghiệp Thiên Quan là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester theo Quyết định đầu tư số 13/QĐ-BQL ngày 9-1-2006 của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên, có vốn điều lệ 20 tỷ đồng; Chuyển đổi 39,8 tỷ đồng (làm tròn số thành 40 tỷ đồng) từ “khoản phải thu ATC do PVFC cho vay vốn lưu động ở dự án nhà máy xơ sợi Polyester từ năm 2005.
Tuy nhiên, có một thực tế, từ tháng 6-2009, dự án án nhà máy xơ sợi Polyester do bị thua lỗ và dừng hoạt động nên không thể có chuyện cổ đông/nhà đầu tư nào chuyển thêm tiền góp vốn điều lệ cho ATC vào tháng 4-2010. Do đó, việc nâng vốn điều lệ này của ATC thời điểm ngày 16-4-2010 chỉ là “chiêu trò tiêu hóa” khoản vốn PVFC cho ATC vay vốn lưu động đã bị thua lỗ hoàn toàn, được “sáng tạo” chuyển sang khoản “đầu tư” nhưng không được ghi nhận mà theo dõi dưới dạng “khoản phải thu” trên Báo cáo tài chính (BCTC) của PVFC.
Cụ thể: “...Trang 27 BCTC kiểm toán ngày 31-12-2009 của PVFC ghi nhận khoản “Phải thu Công ty CP Công nghiệp Thiên Quan” trị giá là 39.783.982.246 đồng (khoản phải thu này đã tồn tại từ đầu kỳ 31-12-2008).
Đến BCTC kiểm toán ngày 31-12- 2010 của PVFC, tại trang 27 vẫn diễn giải tồn tại khoản “Phải thu Công ty Cổ phần Dầu khí An Thịnh (tức Thiên Quan sau khi chuyển đổi và sáp nhập)” trị giá là 39.783.982.246 đồng. Khoản “Phải thu” này được thuyết minh tại trang 28 như sau: “Các khoản phải thu có nguồn gốc từ các khoản cho vay được chuyển sang khoản đầu tư mà Tổng công ty có ảnh hưởng đáng kể hoặc có khả năng chi phối. Tuy nhiên, do các công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu sở hữu, các thủ tục tiếp nhận phần vốn góp của Tổng Công ty chưa được hoàn thiện về mặt pháp lý. Do vậy, các khoản phải thu này chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí để ghi nhận là các khoản đầu tư”.
Đến sang năm 2011, BCTC kiểm toán ngày 31-12-2011 của PVFC tiếp tục tồn tại khoản “Phải thu Công ty CP Dầu khí An Thịnh” nguyên giá trị 39.783.982.246 đồng (trang 30 của BCTC). Khoản phải thu này lại được lặp lại thuyết minh y như tại thuyết minh diễn giải tại trang 28 của BCTC kiểm toán ngày 31-12-2010 của PVFC nêu trên. Có điều điểm mới thuyết minh BCTC năm 2011 của PVFC có thêm nội dung: “Trên cơ sở thận trọng, Ban giám đốc Tổng công ty đã trích lập dự phòng 100% đối với khoản phải thu ATC. Số dư dự phòng tương ứng được trình bày tại Thuyết minh số 22”. Trang 33 BCTC kiểm toán năm 2011 của PVFC ghi nhận giá trị khoản dự phòng rủi ro cho khoản phải thu của ATC đã được trích lập toàn bộ số tiền 39.783.982.246 đồng trong năm 2011, được hạch toán vào chi phí hoạt động năm 2011 của PVFC (tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế của PVFC cùng thời kỳ)?!. Và đến BCTC hợp nhất kiểm toán của PVFC ngày 31-12-2012 (trang 30), thể hiện giá trị khoản phải thu của ATC đã hoàn toàn “biến mất” do đã trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro phải thu khó đòi trong năm 2011.
Như vậy suốt từ năm 2008 đến hết năm 2011, “khoản đầu tư” của PVFC có nguồn gốc từ khoản cho Thiên Quan/ATC vay, có giá trị 39,8 tỷ đồng “không được hoàn thiện về mặt pháp lý”; “không đáp ứng đầy đủ tiêu chí để ghi nhận là khoản đầu tư” mà chỉ được theo dõi dưới dạng “khoản phải thu”. Trong năm 2011, PVFC đã trích lập dự phòng rủi ro khoản phải thu khó đòi này và và sang đến năm 2012 khoản phải thu này đã hết do đã phải trích lập dự phòng 100% trong năm 2011. Bằng việc trích lập dự phòng 100%, PVFC đã chấp nhận thua lỗ toàn bộ khoản cho Công ty Thiên Quan vay 39,8 tỷ đồng mà trước đây định “chuyển đổi” thành “khoản đầu tư” nhưng không thực hiện được... Nên đây chính là những chiêu trò “tiêu hóa” khoản vốn của PVFC cho ATC vay vốn lưu động ở dự án Nhà máy xơ sợi Polyester đặt tại KCN Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên.
Doanh Chính