Ảnh minh họa.
Hè thu năm 1969, với chiến thuật “điệu hộ ly sơn”, đơn vị chúng tôi - Trung đoàn bộ binh 24, Sư đoàn 304 (nay thuộc Quân đoàn 2) được chỉ đạo của cấp trên là dùng hỏa lực bắn vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở phía tây thị xã Quảng Trị, kéo địch từ các căn cứ vùng trong ra để tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch. Đúng như dự định, các điểm cao tây Quảng Trị, nam Đường số 9 như Động Trị, Động Kô Ác, Động Em, Mỹ đã dùng trực thăng để đổ quân cùng lô cốt, dây kẽm gai thực hiện phòng thủ từ xa. Tiểu đoàn bộ binh 6 của Trung đoàn được Tham mưu phó trung đoàn Đại úy Ngô Phú chỉ huy, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở Động Em, đây là một điểm cao hơn 400m so với mặt biển do một đại đội của sư đoàn kỵ binh bay Mỹ chiếm giữ.
Công tác trinh sát nắm địa hình, kế hoạch và quyết tâm chiến đấu chuẩn bị chu đáo, cách đánh là mật tập. Đêm thứ nhất xuất kích, trời tối như mực, rừng rậm muỗi vắt nhiều vô kể. Bất chấp mọi gian khổ nguy nan, từng mũi bí mật luồn rừng xuyên đêm về vị trí xuất phát tiến công. Đúng giời G, mũi thứ nhất vào cách hàng rào 40m như hiệp đồng, còn mũi thứ hai thì bị lạc. Lúc ấy đã hơn 4 giờ sáng, nên mũi này xin chỉ thị cấp trên được hoãn lại hôm sau và được trên chấp thuận.
Được rút kinh nghiệm kịp thời, đêm thứ hai, các mũi xuất kích rất chuẩn xác về thời gian, không gian và địa điểm. Tuy nhiên một tình huống bất ngờ đã xảy ra, không rõ một chiến sĩ nào do đạn súng đã lên nòng, ở tư thế sẵn sằng nhưng quên không khóa an toàn đã vô ý chạm cò làm nổ súng. Tiếng nổ đanh như xé màn đêm yên tĩnh làm địch trong đồn náo loạn, pháo sáng xanh trời, các loại súng bắn như vãi đạn. Tuy đội hình vẫn giữ được bí mật và không ai thương vong nhưng có lẽ tình hình không ổn, dường như địch cảnh giác hơn, nên chỉ huy đơn vị lại xin ý kiến cấp trên cho hoãn trận đánh một lần nữa.
Lại một lần nữa, đêm thứ ba xuất kích xem chừng thuận lợi, đúng 3 giờ, sau ít phút hỏa lực đi cùng cấp tập, các mũi hướng tiến công như hiệp đồng. Nhưng không một mũi nào mở được hàng rào vào được trung tâm, tất cả đều bị đánh bật ra và thương vong một số; các chướng ngại vật, vật che khuất, vật che đỡ đều như những chiếc bẫy dăng sẵn… Nhiều bán bộ, chiến sĩ hy sinh ngay bên hàng rào kẽm gai. Cấp ủy, Ban Chỉ huy Đại đội dùng máy 2w hiệp đồng, xuống hố bom cũ hội ý cũng bị súng cối cá nhân của địch bắn trúng gây thương vong. Lực lượng bị tiêu hao lớn; số quân còn lại đưa thương binh, liệt sĩ ra và nhanh chóng rút khỏi trận địa khi trời chưa kịp sáng.
Trở lại điểm tập kết ban đầu, chuẩn bị chiến đấu, sáng đó người về thưa thớt, không khí nặng nề, một số thương nặng không kịp ăn cơm phải chuyển về phía sau ngay. Mấy chiếc xoong B12 đầy cơm đang bóc khói, thịt hộp, đậu, canh lá chua me… chẳng mấy ai buồn ăn. Sau vài chục phút chờ đợi, chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Văn Vân thấy không còn ai về nữa đã bật khóc như một đứa trẻ bị đòn bên cạnh xoong cơm. Mọi người xung quanh, cả Đại úy Ngô Phú cũng không cầm được nước mắt.
Tôi từng nghe một bài tấu ca ngợi sự chiến đấu hy sinh của người lính trên chiến trường có câu: “Thừa một nắm cơm hay thiếu một đồng chí?”. Còn đơn vị tôi lúc này đây thừa cả một xoong cơm, thiếu ba bốn chục đồng chí!
Năm ấy tôi 20 tuổi đang là một Binh nhất. Sau trận đánh đó chắc các cấp chỉ huy phải rút ra bài học về sự tổn thất của trận đánh “quá tam ba bận” để những trận đánh khác và những năm sau đó đi đến toàn thắng như chúng ta đã đi. Chiến tranh đã qua hơn 50 năm, từ người lính, tôi làm người chỉ huy, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, có biết bao kỷ niệm vui buồn, bao bi thương và hùng tráng của đời binh nghiệp; nhưng nỗi đau: Thừa cả xoong cơm, bởi mấy chục đồng đội không về vào hè thu năm 1969 sau trận đánh Động Em vẫn không nguôi ngoai trong tôi.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), tôi muốn nêu lại một kỷ niệm buồn và có dịp suy nghĩ sâu hơn về sự hy sinh gian khổ của bao cán bộ, chiến sĩ trên các chiến trường để có ngày toàn thắng, để rồi hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ sáng mãi ngàn năm giữa lòng dân tộc.
Xuân Luyến