Năm 1990, tôi công tác ở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Bắc (tên gọi hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh), làm biên tập viên văn xuôi tạp chí “Văn nghệ Hà Bắc”. Vào buổi sáng, hình như đầu tháng 7 thì phải, một người chừng 40 tuổi đẹp trai, dáng xương xương đến Hội. Gặp tôi, anh tặng tập thơ đầu tay “Có một lời ru” rồi lẳng lặng ra về. Khi tác giả đi khỏi, tôi cầm tập thơ mỏng dính lên xem. Tác giả có tên khá lạ ở vùng Kinh Bắc: Tô Hoàn. Tập thơ chỉ có 45 trang, được in ở tận tỉnh miền Trung (Quảng Nam - Đà Nẵng) do Hội Văn nghệ tỉnh kết hợp với Nhà Văn hóa Quân khu 5 ấn hành. Tôi lật vài ba trang để tìm bài thơ ngắn vì tôi vốn dĩ ngại đọc thơ dài. Bỗng tôi sững người với bài thơ đầu tiên “Chân trời”. Bài thơ vẻn vẹn chỉ có bốn câu: Ta nói với nhau có chân trời/ Cầu vồng sau mưa bình minh nõn chuối/ Mấy mươi năm bước chân nào cũng vội/ Chân trời ta đến vẫn xa xôi. Thâm thúy quá. Tôi vội giở tiếp trang bên bài “Đất” - dù bài này dài tới 40 câu. Đây là mấy câu kết: Ai ồn ào/ Đất trở nên lặng lẽ/ Nỗi đau muôn đời của đất, ai đau?
Năm ấy công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo mới được 4 năm. Sự đổi mới trong tư duy sáng tạo nghệ thuật của giới văn nghệ và số ít lãnh đạo còn chậm chạp nên những câu thơ như thế của Tô Hoàn quả là táo bạo và can trường.
Cuộc sống đầy biến động, phức tạp của cơ chế thị trường biến đổi không ít tính cách của con người. Văn chương đã cất lên tiếng nói thời cuộc. “Có một lời ru” phản ánh trung thực cuộc sống. Một thời vì lẽ này lẽ nọ trong cuộc chiến, người viết chỉ tập trung ngợi ca cái cao cả, anh hùng, cái ta mà né tránh sự thấp kém, ươn hèn, cái tôi riêng tư. Tô Hoàn là người nhìn thẳng vào sự thật dù phũ phàng chua xót. Và chính anh tự nhìn lại thơ mình, tìm đến con đường đích thực của thơ ca chân chính “Nhà thơ cũng phải biết xung phong” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bảo vệ, vun đắp lẽ phải, cái chân - thiện - mỹ, chống cái ác, cái xấu. Đây là những lời bộc bạch tâm can: Thơ ta viết ngợi ca/ Bao điều không có thật/ Đời còn nhiều nước mắt/ Thơ ta hí hửng cười/ Sống hờ hững với đời/ Câu thơ nào cũng giả - (Đọc lại thơ mình).
Năm 2004, Tô Hoàn ra tập thơ thứ hai “Phía nào cũng gió” (NXB Hội Nhà văn). Vẫn tiếp tục tư duy, xúc cảm của tập thơ đầu, anh viết về người lính sau chiến tranh, về người mẹ, người vợ, về cuộc sống của những người dân quê. Có lãng mạn, hào hùng: Cùng bạn bè hát chót đỉnh
Trường Sơn/ Một thời sống chết nhẹ tênh/ Cả dân tộc vặn mình như chão/ Người đứng thành rừng/ Người đi thành bão -
(Để có ngày 30-4). Có đau thương, cay đắng, những Trận đói dài xiêu vẹo cả hoàng hôn, những Đường tải đạn mùa nào em cũng ướt/ Sông Thu Bồn cuốn xác bạn về đâu? - (Với xa xăm). Một sự cảnh báo đã thờ ơ, lãng quên những người đã hy sinh trong vệ quốc: Gió còn mãi với lang thang/ Nắng thì tham chút sắc vàng nơi xa/ Thắp hương tôi gọi rừng già/ Rừng im. Tiếng gọi rung qua tay mình - (Tôi gọi rừng già).
Ở tập thơ thứ hai này, Tô Hoàn viết khá nhiều về người mẹ, người vợ. Điều này chẳng có gì lạ. Trong chiến tranh, người phụ nữ chịu nhiều đau khổ nhất. Với người mẹ, anh kể: Chúng con lớn, thế rồi đều xa mẹ/ Xa ngôi nhà mưa nắng có rêu xanh/ Bậc thềm vẹt những bước chân sứt mẻ/ Nơi mẹ ngồi thương nhớ trắng năm canh -
(Phía mẹ). Và anh cay đắng xót xa tận cùng khi nhìn thấy một người mẹ trong căn nhà dột nát lúc mưa: Con về thăm mẹ đêm mưa/ Mới hay nhà dột, gió lùa bốn bên/ Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên/ Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời/ Con đi đánh giặc suốt đời/ Vẫn không che nổi một nơi mẹ nằm - (Đêm mưa). Bài thơ gây xúc động mạnh với bạn đọc, đã có mặt trong nhiều tuyển thơ toàn quốc. Một chuyện thật ở tỉnh Bắc Giang. Có một người yêu thơ khi đến chơi với người bạn nhưng không gặp, chỉ được bố mẹ anh ta tiếp. Ông bà vẫn ở căn nhà tuềnh toàng, đôi chỗ dột nát dẫu người con ở nơi xa làm ăn khấm khá. Gặp đúng hôm mưa, cũng là vô ý, anh bạn yêu thơ đọc luôn bài “Đêm mưa” mà mình yêu thích. Ông cụ lẳng lặng giở giấy ra chép. Khi con về, ông đọc lại bài thơ. Chả hiều có phải tác động bài thơ ấy không mà thời gian sau người con dựng cho bố mẹ căn nhà khang trang.
Với người vợ lính trong chiến tranh, Tô Hoàn nhận xét rất chân thực: Đời vợ lính/ Hạnh phúc cầm rất mỏng/ Trăng đương đầy/ Nguyệt thực phía người đi - (Phía nào cũng gió) và: Mỗi ngày nhớ, mỏi mòn đôi mắt chị/ Hai mươi năm mong một lá thư về/ Hai mươi năm chờ tay anh gõ cửa/ Ngọn gió lùa lừa chị những canh khuya - (Chờ chồng). Tôi chứng kiến những bà già rơm rớm nước mắt khi nghe bài thơ “Chờ chồng”, nhất là đoạn: Ngày lấy anh, chị mười tám tuổi/ Hai mươi năm cài then cửa chờ chồng/ Hai mươi năm nước mắt đầm áo gối/ Đêm mùa nào với chị cũng mùa đông. Có bà thốt lên: “Ông nhà thơ này ở đâu mà viết đúng thế?”.
Mười năm sau tập thơ thứ hai, Tô Hoàn ra mắt bạn đọc tập thơ “Đã cuối mùa em” (NXB Văn học - 2014). Tập thơ vẻn vẹn 27 bài, 54 trang. Công cuộc đổi mới đã làm đổi thay đất nước, quê hương. Cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Tập thơ mới này cất lên giọng nói trong trẻo, vui tươi song đây đó vẫn nặng trĩu ưu tư nỗi buồn về cảnh đời, cảnh người. Không hiếm gặp những câu thơ, bài thơ buộc người đọc phải trăn trở, nghĩ suy: Đường đời muôn ngả về đâu?/ Lối nào dẫn đến mỡ màu người ơi?/ Mẹ ta ăn gió cả đời/ Chỉ mơ bốn phía chân trời đừng xa - (Mơ).
Tô Hoàn là người lính trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Với 20 năm quân ngũ, anh đã qua chiến tranh ác liệt, qua nhiều cương vị khác nhau, trải bao hiểm nguy, cơ cực... nên cũng giống bao người lính thời đó thấm thía tận cùng chiến tranh. Điều ấy lý giải vì sao anh luôn viết về người lính và chiến tranh với tất cả sự chân thực đáng quý. Tô Hoàn không dễ dãi với thơ. Anh trọng về chất, trọng về độ chìm của câu chữ, ý tứ, luôn giữ phong cách của mình. Chắc chắn trên con đường gập ghềnh, khắc nghiệt thi ca vừa tiếp nhận, chối bỏ vừa tìm tòi, thể nghiệm, anh còn phải sáng tạo hơn nữa nhưng những điều mà anh thổ lộ giãi bày là rất quý, trân trọng. Ấy là: Vào nghề khác càng khôn ngoan càng tốt/ Với người thơ khôn ngoan quá, xin đừng/ Khôn ngoan quá suốt đời che chắn hết/ Chẳng phía nào còn gió để rưng rưng (Viết cho mình). Ấy là: Đời mải vui thường quên hết sự đời/ Lúc chúc tụng va nhau vào miệng cốc/ May còn có một góc chiều lặng phắc/ Nếu vui tràn ta hóa kẻ vô tâm - (Góc chiều).
Ngót bảy chục tuổi đời, 30 năm cầm bút, Tô Hoàn (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên) vẫn cần mẫn, cẩn trọng sáng tác. Hiện anh là một trong những nhà thơ tốp đầu của thi ca Bắc Giang.
Đỗ Nhật Minh (Hội VHNT Bắc Giang)