Trước hết cần khẳng định, đây là một dự luật thiển cận, trái đạo lý không khách quan, không đúng tình hình của Việt Nam, một kiểu áp đặt trong quan hệ quốc tế mà Việt Nam phải gánh chịu trong những năm qua và đi ngược lợi ích song phương cũng như xu hướng phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay.
Thật trớ trêu, đây không phải là lần đầu tiên một vài ông nghị của một Hạ viện ở mãi bên kia đại dương quan tâm đến quyền con người tại Việt Nam, một đất nước từng bị 14 triệu tấn bom đạn Mỹ cày. Dưới lăng kính của một vài ông nghị quen món ăn nhanh trên đồi Ca-pi-tôn hào hứng hô hào “nhân quyền”, họ đã cố tình nhắm mắt quên nỗi đau ròng rã của 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm bởi 80 triệu lít hoá chất của Mỹ rải xuống mảnh đất này.
Dư luận không thể không đặt câu hỏi vì sao, từ nhiều năm nay, các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn dai dẳng phát động một chiến dịch rêu rao về dự luật nhân quyền của Việt Nam, gây sức ép lên chính quyền Mỹ để thông qua một nghị quyết sai trái; một thứ công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Động cơ của các thế lực này đâu phải vì nhân quyền cho người dân Việt Nam, mà lợi dụng để buộc Việt Nam phải theo kịch bản của họ đưa ra. Đó là việc làm đi ngược lại với những nỗ lực và xu thế tích cực không thể đảo ngược trong quan hệ Việt - Mỹ; mối quan hệ đã trải qua những năm thử thách khó khăn nhưng đã định hình một cách rõ rệt theo chiều hướng ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Tung ra những lời bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tác giả của dự luật này đã làm ngơ trước sự thật rằng, Việt Nam đã có những bước tiến thật tự hào, được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ðó là những thành tựu không thể phủ nhận trong việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs); giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, nâng cao mức sống mọi mặt cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ mức 22% năm 2005 xuống 9,45% trong năm 2010; đồng thời thực hiện hiệu quả các công ước về bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em. Tổ chức Kinh tế học mới (NEF) có trụ sở ở Anh cũng đã xếp Việt Nam vào danh sách năm nước hạnh phúc nhất thế giới. Vậy nên, bất cứ người dân lương thiện nào của mảnh đất này cũng không thể chấp nhận hành động của những kẻ “chọc gậy bánh xe”, hòng phá hoại sự ổn định, cản trở bước tiến của Việt Nam.
Cái gọi là “nhân quyền” không đánh lừa được ai. Chân tướng của các thế lực và cá nhân thù nghịch với sự phát triển trong hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, đã bị dư luận và chính giới Mỹ phản đối mạnh mẽ. Như Hạ nghị sĩ Mỹ E.Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga đã khẳng định, Dự luật nhân quyền Việt Nam là "thiển cận", nó chỉ dựa trên những dữ liệu cũ rích có từ cách đây 10 - 15 năm và được nhắc đi, nhắc lại bởi những người chưa bao giờ đặt chân tới Việt Nam. Dự luật này là việc áp dụng một tiêu chuẩn kép, không công bằng với Việt Nam.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, ngoại giao... như hiện nay, thiết nghĩ, việc cần làm là hai nước cần tôn trọng sự khác biệt; tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nên sớm chấm dứt trò "gắp lửa bỏ tay người" như việc họ tung ra cái gọi là "Dự luật nhân quyền Việt Nam" ngày 7-3 vừa qua.
Phải nói ngay rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ, tuy chế độ chính trị khác nhau, nhưng mỗi nước đều đang tồn tại những vấn đề cần giải quyết. Việc Hạ viện Hoa Kỳ tự cho mình quyền phán xét nước khác là thái độ kẻ cả, trịch thượng, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Cách hành xử trong báo cáo nhân quyền của Hạ viện Mỹ chỉ làm cho người ta thấy rõ thêm rằng, họ vẫn theo đuổi chính sách coi nhân quyền như một con bài tạo cớ can thiệp vào công việc của nước khác. Mỹ không có tư cách để phán xét vấn đề quyền con người của Việt Nam, khi mà nếu chịu khó "đốt đuốc soi chân mình", nước Mỹ đang còn vô khối vấn đề nhân quyền phải bàn...
Cần phải chỉ rõ rằng, thực hiện về nhân quyền ở mỗi nước dựa trên những đặc thù về lịch sử văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Vì thế, không thể lấy tiêu chí và nhân quyền của quốc gia này áp đặt cho quốc gia khác. Chủ quyền dân tộc là nguyên tắc cốt lõi cần nhất phải được tôn trọng trong trật tự pháp lý quốc tế. Mang danh nhân quyền để chà đạp chủ quyền quốc gia khác đang tạo ra một nguy cơ, một hiểm họa khôn lường trong thế giới hiện đại. Áp đặt nhân quyền theo tiêu chuẩn Mỹ, giá trị Mỹ chính là sự vi phạm thô bạo nhất. Việc làm này đang bị dư luận thế giới lên án và bác bỏ.
Minh Phương