AHLĐ Trần Mạnh Báo cùng cán bộ nghiên cứu lúa trên cánh đồng.

Sau khi từ chiến trường trở về, CCB, thương binh hạng 2/4 Trần Mạnh Báo bắt đầu thực hiện khát vọng nâng cao năng suất lúa, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm và trí tuệ của Bộ đội Cụ Hồ, của một đảng viên, ông đã thực hiện thành công tâm nguyện của mình với đồng đất quê hương Thái Bình và nông dân cả nước.

AHLĐ, Doanh nhân CCB Trần Mạnh Báo.

Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - dám nghĩ, dám làm

Ông sinh năm 1950, trong một gia đình thuần nông tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1968, khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt nhất, khắp các địa phương sục sôi khí thế tuyển quân, bổ sung lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Thời điểm ấy, ông đang là học sinh trường cấp 3 Thái Ninh (huyện Thái Thụy) đã tình nguyện xung phong ra mặt trận. Ông tham gia Sư đoàn 320, chiến đấu trên mặt trận máu lửa Quảng Trị; đến năm 1970 chuyển sang Sư đoàn 1, cùng đồng đội chiến đấu giải phóng 6 tỉnh phía Nam Campuchia, 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ.

AHLĐ, Doanh nhân CCB Trần Mạnh Báo dù tuổi cao nhưng ông không ngừng học tập, nghiên cứu.

Ông Trần Mạnh Báo kể lại, khi ông về đến nhà, cha đang ngồi ở bàn uống nước với một cái điếu cày. Cha ông hỏi: Con đã về đấy à? Con đã được kết nạp Đảng chưa? Biết cha luôn rất kỳ vọng vào sự trưởng thành của mình, ông trả lời cha trong niềm hãnh diện: “Thưa bố, con đã kết nạp Đảng rồi và kết nạp ngay sau khi bị thương”.  Rồi, ông Báo kể cho cha về trận đánh chỉ còn ông và một đồng đội nữa quyết giữ được cao điểm 201 tại Xã Bình An, thuộc huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Hai bên giằng co quyết liệt, cuối cùng bộ binh địch rút lui và cho máy bay đến oanh tạc, ông bị thương khá nặng vào phần mặt và đầu. Trận đánh kết thúc. Lễ kếp nạp Đảng diễn ra ngay đêm đó, đúng ngày Mỹ mở cuộc tiến công bằng B-52 vào Hà Nội, ngày 18-12-1972. Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông trở về quê hương với thương tật 2/4.

Nghe con kể lại câu chuyện, cụ Trần Xuân Bột lặng người. Cụ dặn dò con bằng những lời từ tận tâm can: “Chúc mừng con. Thế là con đã trở thành đồng chí của bố, đúng với nguyện vọng của bố. Con đã được tôi luyện trong khói lửa chiến trường, nên bố không cần nói nhiều, chỉ nhắc con một điều là, trở thành đảng viên đã khó, nhưng giữ được phẩm chất của người đảng viên suốt đời lại càng khó hơn. Muốn vậy, kể từ sau khi giơ tay thề dưới lá cờ đảng, thì làm bất cứ việc gì cũng phải nhớ mình là đảng viên”. Lời dặn thiêng liêng ấy đã theo ông suốt cuộc đời.

AHLĐ, Doanh nhân CCB Trần Mạnh Báo ngày đêm miệt mài nghiên cứu về các loại giống cây trồng để phục vụ bà con nông dân.

Trở về quê hương sau giải phóng miền Nam, ông được nhận vào làm công nhân chăn nuôi lợn ở Trạm Truyền giống lợn Hưng Hà, sau đó chuyển sang làm tạp vụ tại Công ty giống lúa Thái Bình để vừa làm vừa học. Khi đó, dù đã 26 tuổi nhưng ông vẫn xin đi học với lứa học trò cấp 3. Thời gian vừa đi học, vừa đi làm vất vả lại thêm thương tích từ chiến tranh nhưng ông vẫn miệt mài, kiên trì theo đuổi sự nghiệp học hành. Năm 1981, ông thi đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Năm 1987, ông được đề bạt làm Trại phó Trại Giống lúa cấp 1 Đông Cơ Tiền Hải (thuộc Công ty giống lúa Thái Bình) trong tình trạng sản xuất không hiệu quả. Khi đó trại có 56 ha đất dành cho sản xuất giống, nhưng mỗi năm chỉ được giao kế hoạch sản xuất 60 tấn giống, nghĩa là một năm, mỗi héc-ta đất chỉ làm ra được chưa đầy 1,1 tấn, trong khi 20 năm trước, Thái Bình đã là quê hương 5 tấn (vì đạt năng suất lúa bình quân 5 tấn/ha trên toàn tỉnh). Từ kiến thức được trang bị và kinh nghiệm thực tế, ông luôn trăn trở về vấn đề cần thiết phải cởi trói cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Ông chủ động xây dựng đề tài “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh” trước khi có Nghị quyết 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Bộ Chính trị, trong đó xác định giống và quyền tự chủ trong sản xuất là cốt lõi của phát triển nông nghiệp. Thời điểm đó, đề tài vấp phải nhiều sự phản đối bởi cho đây là phương án “đi ngược lại đường lối chính sách quản lý nông nghiệp của đảng và nhà nước” và có người cho rằng là ông “lý luận suông”.

Với một niềm tin mãnh liệt và tâm huyết của mình, ông vẫn kiên trì bám đuổi ý tưởng mình đặt ra. Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của công ty lúc đó, ông đã nêu ra quan điểm của Mác: “Nếu lý luận tổng kết từ thực tiễn, thì khi quay lại áp dụng vào thực tiễn, nó sẽ trở thành lực lượng vật chất”, đồng thời cũng đưa ra dẫn chứng về hiệu quả của đề án khi cho khoán thử tại trại Đông Cơ và cho thấy rằng lợi ích của đề án mang lại hiệu quả rất cao. Ông đã thẳng thắn phát biểu: “Nếu chúng ta không làm sẽ có tội với lịch sử”. Trước quyết tâm đó, Hội nghị nhất trí cho Đông Cơ “khoán thử” vụ Xuân 1988. Thành quả là trong hai năm 1988-1989, ông cùng đồng nghiệp đưa Trại giống lúa Cấp 1 Đông Cơ (thuộc Công ty giống lúa Thái Bình) có sự tăng trưởng vượt bậc, kết quả vượt xa mong đợi khi người lao động từ chỗ hưởng 16 kg gạo/tháng đã tăng lên 40 kg/tháng. Trên diện tích 56 ha của trại đã sản xuất được trên 600 tấn thóc, tăng gấp 10 lần so với năm 1987, trong 2 năm 1988 - 1989, Công ty xóa bỏ chế độ tem phiếu. Thành công này đưa trại giống Đông Cơ trở thành mô hình điểm trong thực hiện Nghị quyết 10. Đây cũng chính là cơ sở để Công ty Giống cây trồng Thái Bình chuyển mạnh từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh và được nhiều công ty, nông trường quốc doanh trong nước học theo.

Năm 2000 ông Báo được bầu giữ chức Giám đốc công ty Giống cây trồng Thái Bình. Năm 2004, sau khi Công ty hoàn thành công cuộc cổ phần hóa và chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed).

Niềm tin của bà con nông dân  

AHLĐ, Doanh nhân CCB Trần Mạnh Báo chia sẻ về quy trình sản xuất, đóng gói lúa giống với các cựu chiến binh.

Đến nay, gần trọn một đời gắn bó với công việc của nhà nông, ông chủ ThaiBinh Seed chưa một ngày ngơi nghỉ.

Các giống lúa của ThaiBinh Seed hiện diện trên khắp 56 tỉnh, thành, nông dân sử dụng giống lúa của ThaiBinh Seed chiếm 20% diện tích sản xuất nông nghiệp trong cả nước. ThaiBinh Seed đã nghiên cứu, chọn tạo thành công và được công nhận 28 giống cây trồng quốc gia như TBR97, TBR225, BC15, Đông A1, TBR89, A Sào, Thái Xuyên 111 Phúc Thái 168, QL301, ngô nếp lai TBM18... Đặc biệt, ông Báo và đội ngũ ThaiBinh Seed đã nghiên cứu thành công giống ngô lai TBM18, chuyển gen kháng đạo ôn vào giống lúa BC15, chuyển gen kháng bạc lá vào giống lúa TBR225…

ThaiBinh Seed có hơn 70 điểm liên kết sản xuất với tổng diện tích 8.000ha/năm. Mỗi năm, ThaiBinh Seed tiêu thụ cho nông dân gần 30.000 tấn sản phẩm. ThaiBinh Seed đã thực hiện 3 hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008, ISO/IEC 17025-2005 và TQM. Từ năm 2012, ThaiBinh Seed trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, có 2 nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất đạt 30.000-40.000 tấn/năm, 1 nhà máy sấy công nghệ Nhật Bản, 1 nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm, phòng thử nghiệm quốc gia Mã số Vilas 110, Viện nghiên cứu cây trồng quy mô 152ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn tấn giống cây trồng các loại chất lượng cao...

AHLĐ, Doanh nhân CCB Trần Mạnh Báo luôn hòa mình, lăn lộn cùng bà con nông dân trên những cánh đồng vì mùa vàng bội thu.

Đến nay, ThaiBinh Seed đã có 28 giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia. Các giống lúa đã nhanh chóng trở thành giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Giống lúa của Thai Binh seed đã tung cánh, có mặt trên hầu hết các tỉnh trong cả nước, từ đồng bằng, miền núi đến hải đảo.

Tạo ra giống lúa mang thương hiệu Thái Bình, nhưng mục đích của CCB Trần Mạnh Báo không phải là dừng lại ở giống, không phải chỉ dừng lại ở việc kinh doanh. Ông chia sẻ: “Tôi mong muốn, thông qua giống lúa, thông qua giá trị sáng tạo của mình thì bà con nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Trong quá trình trưởng thành và phát triển, ThaiBinh Seed đã lập được nhiều thành tích xuất sắc và được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, 12 huân chương lao động các loại, Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 lần được tặng cờ thi đua của Chính phủ, 3 lần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng cờ và bằng khen, 5 lần nhận giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Ngoài ra, còn có 3 giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; Danh hiệu Bạn nhà nông, 2 giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, giải thưởng Doanh nghiệp vì nhà nông. Từ năm 2011 đến năm 2015, ThaiBinh Seed là một trong 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, Giải thưởng Sản phẩm thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, Giải Nhất gạo ngon Việt Nam năm 2022. Đối với cá nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo đã xuất sắc được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2020, top 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Trong khi tôi viết những dòng nàythì ông đang miệt mài chuẩn bị cho Lễ khánh thành cơ sở mới, Công ty TNHH ThaiBinh Seed Miền Trung - Tây Nguyên (đơn vị trực thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) ởQuảng Nam. Nếu ai đó theo dõi trên trang Facebook cá nhân của ông đều thấy, ông thường xuyên cùng cán bộ kỹ thuật Công ty và nông dân lội từng chân ruộng, vạch từng khóm lúa để kiểm tra, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh.

Hành trình hơn 50 năm lăn lộn với ruộng đồng, hơn 75 tuổi đời và hơn 50 năm tuổi đảng, làm việc đam mê đến quên cả tuổi tác, bệnh tật, thương binh, Tiến sĩ, doanh nhân CCB Trần Mạnh Báo đã thực hiện được lời thề với đồng đất quê hương. Thương hiệu 5 tấn lúa/ha ở Việt Nam đã được ông cùng các nhà khoa học khác nâng lên thành 15 tấn/ha. Ông chưa dừng lại. Bàn chân ấy vẫn tiếp tục đặt đến nhiều đất nước có nền nông nghiệp phát triển để học hỏi, để rồi chính bàn chân ấy sẽ còn tiếp tục lội trên không biết bao nhiêu cánh đồng để nghiên cứu, khảo nghiệm, để tiếp tục xóa nghèo, làm giàu cho quê hương, trở thành niềm tự hào của người nông dân như chính câu slogan của Công ty: “ThaiBinh Seed - niềm tự hào của nông dân Việt Nam”.

VŨ MINH