Kết hợp quân-dân y là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không chỉ góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa; xây dựng và củng cố tiềm lực an ninh-quốc phòng mà còn góp phần tăng cường tình quân dân sâu sắc. Trong 10 năm qua, sự kết hợp quân-dân y đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, giúp người dân sinh sống ở các vùng có điều kiện KTXH khó khăn, vùng trọng điểm quốc phòng-an ninh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngày càng cao và tăng cường khả năng đáp ứng của ngành y tế trong các tình huống khẩn cấp. Dự án quân-dân y kết hợp đã đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã. Các đơn vị của ngành Quân y, các cơ sở khám chữa bệnh quân-dân y trên toàn quốc đã khám, chữa bệnh cho hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người và nhận điều trị 20,5 triệu lượt người… Y tế địa phương khám bệnh cho hơn 65.000 lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội; khám bệnh đột xuất gần 14.000 lượt bộ đội, nhận điều trị cho hơn 4.000 lượt người và chuyển tuyến an toàn cho gần 3.200 lượt cán bộ, chiến sĩ ở những nơi xa các bệnh viện quân y, trong đó hơn 5.000 lượt bộ đội biên phòng được khám và chữa bệnh tại các trạm y tế xã và bệnh viện huyện biên giới… Sự kết hợp này góp phần quan trọng củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, biển, đảo, tạo nên mạng lưới khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội. Cũng trong sự kết hợp quân-dân y, vấn đề nhân lực y tế được cải thiện về chất lượng, nhất là y tế tuyến cơ sở. Cùng với đó, công tác vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu, tổ chức cai nghiện ma túy tại các xã biên giới đạt được kết quả khích lệ.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế của công tác kết hợp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong 10 năm qua. Những bất cập này tồn tại do cơ chế quản lý cũ trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực y tế. Chẳng hạn như vấn đề về tài chính y tế, bảo hiểm y tế, tự chủ y tế công lập đặt ra nhiều thách thức không chỉ cho cơ sở y tế công lập, mô hình công tư kết hợp mà còn cả mô hình quân-dân y kết hợp. Hơn nữa, với sự xuất hiện của các dịch bệnh mới, diễn biến mới của thiên tai, thảm họa, chương trình kết hợp quân-dân y không chỉ cần làm tốt những nhiệm vụ trước đây mà còn phải điều chỉnh kịp thời, kết hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn trong ứng phó thiên tai, thảm họa…
Để công tác kết hợp quân-dân y đi vào chiều sâu và hiệu quả đáp ứng mong đợi của người dân ở các vùng xa, vùng sâu trong khám chữa bệnh thì các ngành các cấp cần đầu tư thêm nữa về cơ sở vật chất, các phương tiện khám chữa bệnh, hỗ trợ thêm thuốc men. Đào tạo thường xuyên cho đội ngũ quân y về các chuyên đề y tế, cung cấp các tài liệu truyền thông phù hợp với đối tượng là người dân tộc thiểu số… Trong Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình Kết hợp quân-dân y toàn quốc lần thứ 5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể củng cố y tế cơ sở, trước hết ở tuyến biên giới, hải đảo với tinh thần ưu tiên những địa bàn khó khăn nhất, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở. Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình kết hợp quân-dân y cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực hoạt động, đào tạo chuyên sâu cho các y bác sĩ làm việc tại các trạm y tế, phòng khám quân dân, củng cố y tế cơ sở, phối hợp nghiên cứu để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với các dịch bệnh truyền nhiễm, thiên tai, thảm họa. Đây chính là giải pháp góp phần giữ vững trật tự, ổn định, trước hết là các vùng biên giới, hải đảo, vùng trọng điểm an ninh-quốc phòng, bảo đảm chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân bằng những chương trình thật thiết thực, không dàn trải, giúp cả ngành Y tế tốt lên.
Bài và ảnh: Dương Sơn