Để mua được nhà ở xã hội thời điểm này không hề dễ dàng.
Trong quý I-2022, giá nhà tiếp tục tăng bình quân 3% so với thời điểm cuối năm 2021, riêng ở thị trường Hà Nội ghi nhận mức tăng cao hơn bình quân, ở mức 4 - 5%. Giá nhà tăng nhanh, khiến cho nỗi lo của nhóm người thu nhập thấp, trung bình tăng theo, ước mơ được sở hữu căn nhà để an cư ngày càng khó khăn hơn.
Giá nhà, đất tăng cao
Nghiên cứu thị trường của CBRE Việt Nam - đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản tại Việt Nam, trong năm 2022, nguồn cung mới phân khúc căn hộ trên thị trường Hà Nội dự kiến sẽ tăng trở lại, đạt khoảng 26.000-28.000 căn. Tuy nhiên, sản phẩm căn hộ bình dân được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm. Theo khảo sát, hiện nay giá nhà ở Việt Nam cao hơn gấp khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến cho nhiều hộ gia đình khó khăn trong việc tạo lập chỗ ở, trong khi đó chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập ở các nước công nghiệp phát triển từ 6-7 lần, thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, so với mức giá cách đây 2 năm, giá nhà không chỉ tăng giá cục bộ ở một vài dự án, mà nhiều khu vực đã hình thành mặt bằng giá mới. Cụ thể, căn hộ chung cư cao cấp các khu vực như: Mỹ Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân... ở mức 30-40 triệu đồng/m2, hiện nay được đẩy lên 45-60 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực xa hơn như: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, trước đây 18-20 triệu đồng/m2, nay đã dần tiệm cận mức 30 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án giá lên đến 60 triệu đồng/m2...
Từ tỉnh Nghệ An ra Hà Nội làm việc đã gần 15 năm, lập gia đình và có 2 con nhỏ, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Thực vẫn đang phải ở nhà thuê. Vợ anh cùng quê, cùng làm công nhân, tổng thu nhập, kể cả tăng ca, khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền thuê nhà trọ, tiền gửi trẻ, tiền ăn, hiếu hỉ, mua sắm… mỗi tháng vợ chồng anh tằn tiện lắm cũng chỉ dành dụm được khoảng vài ba triệu đồng, cuối năm về quê một chuyến thì coi như hết. Vì vậy, việc mua nhà cửa, với vợ chồng anh là điều không tưởng.
Sống chen chúc trong phòng trọ ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, T.P Hà Nội, cả gia đình anh Trần Thịnh Danh (quê ở Thanh Hóa) cảm nhận hết sự khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Anh Danh nói: “4 tháng dịch, bị phong tỏa, cả gia đình tôi phải ở trong phòng ngột ngạt, bức bí. Nếu có căn nhà thì điều kiện sống sẽ tốt hơn, nhưng để mua được nhà ở đây thì quá tầm người lao động như chúng tôi”.
Không chỉ giá chung cư, giá nhà tăng nhanh, mà giá đất nền cũng liên tục leo thang. Các khu vực: Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Quốc Oai, Sơn Tây... tính đến quý I-2022, giá đất nền tăng từ 30-45% so với cùng thời điểm cách đây 1 năm. Đặc biệt, tại địa bàn huyện Đông Anh đã xuất hiện một số khu vực giá bán lên đến gần 200 triệu đồng/m2 đất nền. Điều này khiến cơ hội sở hữu một nơi an cư, lạc nghiệp của người thu nhập thấp càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Cần sớm có giải pháp hỗ trợ người dân
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, một trong những nguyên nhân khiến mặt bằng giá tăng trong đó có việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây là do Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019 về khung giá đất, các địa phương đã ban hành bảng giá áp dụng cho giai đoạn 2020-2024. Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15%-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước. Điều này trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến giá nhà, đất bởi đối với một dự án bất động sản thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng, ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của dự án.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần phải nhanh chóng thực thi một số giải pháp, như: Đánh thuế đất, định giá tài sản theo đúng giá thị trường để áp thuế; giới hạn thời gian giao dịch, đặc biệt là sản phẩm đất nền, đồng thời yêu cầu phải có tỷ lệ xây dựng công trình mới cho phép xây dựng; thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất tài sản là đất đai bỏ hoang nếu sử dụng đòn bẩy tài chính; siết chặt tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhằm ngăn chặn tình trạng kiếm lời bằng chiêu bài chuyển đổi mục đích sử dụng, phá vỡ quy hoạch đô thị.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổng giám đốc Trung tâm phát triển đầu tư Việt Nam cho rằng: Với việc giá đất tăng cao sẽ làm Nhà nước khó triển khai các dự án hạ tầng có thu hồi đất, đặc biệt là quỹ đất để doanh nghiệp tạo dựng quỹ nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp cho người thu nhập thấp. Đáng quan ngại nữa là có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Ngoài ra, khi giá đất tăng cao, doanh nghiệp càng dễ thiên hơn về việc làm dự án thương mại để tăng lợi nhuận. Điều này làm cho giấc mơ có nhà của người thu nhập thấp, người lao động càng xa vời...
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển, những cơn sốt đất đẩy mặt bằng giá bất động sản lên cao càng khiến nhiều người ra trường, đi làm 5-10 năm không thể mua được nhà. Trong khi đó, ở nước ngoài, sinh viên ra trường đi làm chăm chỉ, có tích lũy trong khoảng thời gian tương tự đã có thể mua nhà, căn hộ. Việc thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục diễn ra và người thu nhập thấp sẽ càng lo lắng hơn với cơ hội được sở hữu nhà.
Võ Hóa