Nhưng rồi Lối Lem được hồi sinh từ bàn tay một CCB: Phạm Tấn Võ. Anh vốn là quân y sĩ phục viên, về quê tham gia công tác Phó chủ tịch UBND xã, rồi Trưởng trạm y tế xã Đan Hà.

Với nhiều người “một nghề thì sống”, mà sao anh với đống nghề vẫn chẳng đủ ăn. Nào ươm nuôi kinh doanh cá cảnh, nào đại lý cung cấp giống gấc lai và thu mua gấc quả chế dầu. Rồi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, anh quyết định vào rừng Lối Lem khai hoang lập trại, mặc cho anh em họ hàng lắc đầu ngán ngẩm. Song người lính đã quyết tâm thì khó nào ngăn cản được. Anh vừa chạy khắp nơi vay vốn, vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các gia đình làm trang trại trong vùng, cuối cùng anh quyết định trồng bồ đề, keo lai, xen kẽ với mỡ, lim, lát, trám, giàng giàng... Hiện tại trang trại của anh đã có tới 16,7 ha trồng các loại cây trên. Lấy ngắn nuôi dài, tiền bán măng mạnh tông, bát độ, vợ chồng anh mua cá giống thả ao dưới chân dốc, gà thả đồi, nuôi ong mật... Nhìn trang trại của anh đâu cũng thấy ra tiền, các sản phẩm của gia đình đều có người đến mua tận nơi, không phải lo đầu ra.

Là một điển hình trong việc làm kinh tế phụ gia đình, song Phạm Tấn Võ luôn đi đầu trong công tác chuyên môn. Trạm y tế của anh đã được công nhận chuẩn y tế quốc gia.

TRẦN NHÂM TỴ