Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê được triển khai từ năm 2008; tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa khẳng định: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Bộ, ngành. Về cơ bản, các Bộ, ngành của T.Ư đều đồng tình với đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh” là dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê,  vì một trong những nguyên nhân là mỏ sắt Thạch Khê chỉ cách bờ biển hơn 1km,  trong khi công nghệ khai thác của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng  yêu cầu.

Đây là một quyết định “thuận thiên” của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Tôi còn nhớ hơn 10 năm trước, do công việc tôi may mắn được đến mỏ sắt Thạch Khê 2 lần và  được chứng kiến tâm trạng trái ngược nhau của chính quyền, nhân dân, nhất là nhân dân 5 xã ven biển huyện Thạch Hà sát mỏ sắt. Lần đầu khởi công là hồ hởi, vui mừng, hoan hỷ; lần sau (cách 3 năm) là băn khoăn, lo lắng…

Lo lắng là đúng, vì theo các nhà khoa học nếu mỏ sắt Thạch Khê “xây tường” để khai thác xuống độ sâu âm từ dưới 200m trở xuống (dự kiến độ sâu âm 550m) thì sẽ không thể chịu đựng được “túi nước” biển… Đó là chưa nói đến những hệ lụy khác. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chưa nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Sau đó, mỏ sắt Thạch Khê tạm dừng khai thác cho đến nay.

Có thể mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng như thế không có nghĩa là khai thác bằng bất cứ giá nào - ngược lại, còn phải cân nhắc thận trọng hơn trên cơ sở khoa học.

Khoa học là tổng hòa của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Nhật Huy