Tại cuộc họp lần thứ X của nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican, hai bên đã thảo luận và cơ bản nhất nhiều vấn đề quan trọng.
Cùng với tiến trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Niềm tin tôn giáo được củng cố, số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo không ngừng gia tăng.
Nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách thiết thực, không chỉ thúc đẩy sự phát triển các tôn giáo trong nước mà còn đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.
Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican đạt được nhiều tiến triển, bao gồm tiếp xúc và tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn cấp cao Việt Nam và Tòa thánh, cũng như các chuyến thăm mục vụ thường xuyên của Đại điện Không thường trú, Đặc Phái viên Tòa thánh, Tổng giám mục Marek Zalewski. Hai bên đã thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.
Trao đổi về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican tại Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) từ ngày 5 đến 10-6, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Vũ Chiến Thắng khẳng định tiến trình thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican đang có nhiều bước phát triển tích cực. Ngày 31-3-2023, tại Tòa thánh Vatican diễn ra cuộc họp lần thứ X của nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Hai bên đã trao đổi sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Vatican, trong đó có vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam; thông qua đó thống nhất thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican sẽ công bố Quy chế hoạt động của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Đây là sự kiện rất quan trọng trong tiến trình nâng cấp quan hệ hai nước, góp phần mở ra cơ hội thuận lợi cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng với Công giáo thế giới.
Thời gian qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam tích cực tham gia góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong công tác từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, nổi bật là giáo dục mầm non và dạy nghề. Giáo hội tổ chức nhiều lớp học tình thương, bổ túc văn hóa cho trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật; lập quỹ khuyến học để hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện học tập; trao học bổng cho học sinh. Giáo hội cũng mở phòng khám nhân đạo, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, người già neo đơn, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS; hưởng ứng phong trào nông thôn mới, làm đường liên thôn, bắc cầu và làm cây nước cho bà con nghèo vùng sâu. Có những giáo xứ là mô hình điểm trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương…
Chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước, trong đó đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, bác ái để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Đồng thời pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, tinh thần và nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Trần Hoàng