Các Hội đoàn thể xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú – Sóc Trăng) trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hơn bao giờ hết, tỉnh Sóc Trăng đang căng mình chiến đấu với “giặc dịch”, để chủ động phòng chống và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, những ngày qua các xã có đông đồng bào Khmer đang thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chung tay sớm đẩy lùi đại dịch COVID – 19.
Với đặc thù là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, ngay sau khi dịch bệnh COVID – 19 bùng phát lần thứ 4 và nhất là sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ở xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), chính quyền huyện Mỹ Xuyên đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân để bà con chủ động, không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.
Cựu chiến binh Thạch Công - Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Phnor Kom Pôt, xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) chia sẻ: Nhờ việc triển khai tuyên tuyền đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nên ý thức phòng chống dịch của các hộ dân ấp Phnor Kom Pôt, đặc biệt là bà con Khmer đều được nâng lên, từ đó thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. “Biểu hiện cụ thể là bà con đã biết giữ gìn khoảng cách khi giao tiếp, làm tốt công tác vệ sinh môi trường; chú trọng vệ sinh nhà cửa, cá nhân sạch sẽ, thực hiện việc đeo khẩu trang, không tiếp xúc, giao dịch và làm việc với người không mang khẩu trang…” – ông Công nói.
Ông Tăng Trung Bảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID – 19 xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) cho biết: “Tham Đôn là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 75,8%), sau khi phát hiện nhiều ca bệnh dương tính COVID – 19, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền kịp thời các văn bản của Trung ương, tỉnh và huyện về phòng chống dịch COVID – 19; thực hiện Chỉ thị số 16/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa số bà con đều chấp hành nghiêm. Nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh COVID – 19, người dân sẽ góp phần bảo vệ mình và chung tay đẩy lùi dịch bệnh để sớm ổn định cuộc sống. Do đó, từng người dân hãy ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải tuân thủ khuyến cáo “5K” của ngành Y tế”.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống loa truyền thanh, huyện Mỹ Xuyên cũng thường xuyên hướng dẫn bà con Khmer những quy định trong Chỉ thị 16. Cùng với đó, các xã trên địa bàn huyện cũng thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh từ những nguồn tin chính thống, thông tin đến người dân, nhất là ở những ấp có đông bà con Khmer sinh sống.
Sau khi phát hiện nhiều ca bệnh dương tính ở xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú – Sóc Trăng), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID – 19 đối với xã Thuận Hưng. Vì thế, đời sống của hơn 3.700 hộ dân ở Thuận Hưng lâm vào cảnh khó khăn. Ông Lâm Mê Rinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID – 19 xã Thuận Hưng cho biết: Qua thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo xã sẽ tiếp tục tăng cường, siết chặt các hoạt động, các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là công tác tuyên truyền với nhiều hình thức bởi ý thức của người dân trong phòng, chống dịch là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cùng với đó, tiếp tục phát huy hiệu quả của chốt kiểm soát dịch, hoạt động các Tổ COVID cộng đồng và các tổ tuần tra kiểm soát để giữ gìn an ninh trật tự, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Sau khi thực hiện phong tỏa xã vào ngày 06/08 vừa qua, nhiều bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, vì đa số là lao động nghèo. Tuy nhiên, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể và những mạnh thường quân, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật dụng tiêu dùng cần thiết được kịp thời hỗ trợ cho bà con, đã giúp bà con an tâm hơn. Điều đáng quý ở đây, là trong khu vực phong tỏa rất đồng lòng thực hiện các biện pháp chống dịch của Đảng bộ, chính quyền địa phương và của ngành y tế. Đồng thời, bà con luôn tương trợ nhau, động viên lẫn nhau và tin tưởng sẽ sớm vượt qua dịch bệnh COVID – 19 lần này” – ông Rinh nói.
Trong thời gian chung sức chiến đấu với đại dịch, vùng có đông đồng bào dân tộc đã xuất hiện những mô hình, cách làm hay về tinh thần yêu thương san sẻ, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, có những hành động đẹp, những nghĩa cử đẹp, cứ thế lan tỏa, nhân lên thành nét đẹp cộng đồng. Đó là hình ảnh chị em phụ nữ ngày đêm bên bếp ăn tình thương, nấu cơm gói bánh hỗ trợ lực lượng đang làm nhiệm vụ kiểm dịch và khu cách ly; là hình ảnh các bạn đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên tham gia trực chốt kiểm soát, giám sát các gia đình cách ly y tế tại nhà; là hình ảnh các đội tuyên truyền lưu động rong ruổi khắp các xóm ấp, khắp con đường, ngõ hẻm kêu gọi bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; là hình ảnh các cán bộ Đảng uỷ, chính quyền, ban ngành đoàn thể, thầy cô giáo tích cực vận động, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, hộ dân khó khăn, học sinh nghèo ảnh hưởng bởi dịch bệnh...Mỗi người một việc, mỗi người 1 nhiệm vụ, ai cũng làm với tinh thần, ý thức cao nhất. Những hoạt động này đã phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau, có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc động viên kịp thời các gia đình khó khăn, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ, chung sức, đồng lòng cùng nhau vượt qua đại dịch.
Phương Nghi
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)