Manila sẽ chính thức đưa vấn đề tranh chấp tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham ra trao đổi tại cuộc gặp mặt "2 + 2" giữa Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, cùng với những người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton và Leon Panetta.

Người phát ngôn Hernandez cho biết ông không thể nói chính xác mục đích của Philippines là gì khi đưa vấn đề bãi đá Scarborough/Hoàng Nham ra trao đổi với Mỹ. Tuy nhiên, những bàn bạc tại Washington được kỳ vọng cung cấp một định hướng để chính phủ Philippines tìm kiếm nhiều sự giúp đỡ hơn cho quân đội nước này, vốn được đánh giá là yếu kém nhất khu vực. Philippines và Mỹ có một hiệp ước phòng thủ chung, trong đó Mỹ cam kết tới hỗ trợ nước đồng minh nếu nước này phải đối mặt với một thách thức quân sự.

Động thái của Philippines có thể khiến Trung Quốc tiếp tục không hài lòng. Bắc Kinh vốn luôn cho rằng Mỹ không có vai trò nào trong các tranh chấp tại Biển Đông. Tuyên bố của Manila cũng được đưa ra ngay sau khi Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo trong một bài xã luận cuối tuần qua rằng có nguy cơ tiềm ẩn một cuộc chiến quy mô nhỏ đối với tình trạng hiện nay ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham.

Manila và Bắc Kinh bắt đầu căng thẳng từ ngày 8/4, sau khi Philippines phát hiện các tàu cá Trung Quốc hoạt động gần bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Đây là một bãi đá cạn hình móng ngựa không có người sinh sống và cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.

Hải quân Philippines hôm 10/4 lên kiểm tra các tàu cá Trung Quốc và phát hiện nhiều loài động vật quý đang có nguy cơ tuyệt chủng. Sau đó, hai tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện rồi di chuyển vào giữa các tàu cá nước này với soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines. Hai nước sau đó liên tiếp có những sự điều động quanh bãi đá Scarborough/Hoàng Nham.

Manila tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), nhưng Trung Quốc từ chối tham gia. Căng thẳng càng được tô đậm hơn khi Philippines cùng Mỹ bắt đầu cuộc tập trận Balikatan 2012 từ ngày 16/4. Trong những ngày qua, hàng loạt trang web của cả Philippines và Trung Quốc liên tiếp bị tấn công.

Vụ việc kể trên là sự kiện mới nhất và căng thẳng nhất trong chuỗi các sự kiện giữa Philippines và Trung Quốc xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một số khu vực trên Biển Đông. Đây là vùng biển được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn.

Quỳnh Anh (TH)