Các cụ Nguyễn Xuân Đại và Nguyễn Thị Lan là bố mẹ đẻ của các ông, bà Nguyễn Thị Vân( SN 1938) ông Nguyễn Xuân Lý( đã hy sinh năm 1947) và ông Nguyễn Xuân Long(SN 1941). Các cụ Nguyễn Xuân Đại và Nguyễn Thị Lan mất đi để lại toàn bộ tài sản là căn nhà cấp 4 lợp ngói trên diện tích đất ở khoảng gần 1500m2. Ông Lô và bà Vân kết hôn năm 1955, ban đầu hai ông bà ở tại gia đình bên nội. Khoảng năm 1960, ông Nguyễn Xuân Long( em ruột bà Vân) đi công nhân. Do e ngại sức khỏe của cụ Nguyễn Thị Lan( mẹ bà Vân) nên ông Lô và bà Vân chuyển hẳn sang ở bên ngoại. Từ khi ông Long đi làm xa, mọi việc chăm sóc mẹ già đều do gia đình bà Vân gánh vác. Năm 1966, cụ Nguyễn Thị Lan mất, vợ chồng ông Long bỏ đi nơi khác nên từ đó gia đình ông Lô, bà Vân quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích nhà và đất của cụ Đại và cụ Lan để lại. Khi mất, cụ Đại và cụ Lan không để lại di chúc. Năm 1976, ông Lô, bà Vân có nhận chuyển nhượng một phần diện tích đất liền kề của bà Nguyễn Thị Yến, giá chuyển nhượng là 230đ, đã trả tiền mặt và nhận đất. Diện tích đo thực tế hiện nay là 194,3m2. Năm 1982, ông Lô, bà Vân có mua thêm của bà Nguyễn Thị Yến diện tích đất kế bên, số tiền là 25đ. Hai bên đã giao đất, trả tiền. Diện tích đo thực tế hiện nay là 598,5m2. Việc mua bán này có anh Nguyễn Xuân Quý, là con bà Nguyễn Thị Yến biết và xác nhận.
Năm 1985, ông Nguyễn Xuân Long là con trai nhưng ông đã đi công tác xa và đã có nhà ở tỉnh Phú Thọ nên đã nhượng lại ngôi nhà của bố mẹ để lại cho chị gái là bà Nguyễn Thị Vân đồng thời nhận số tiền 20.000 đồng của vợ chồng ông Lô, bà Vân. Từ đó, gia đình ông Lô, bà Vân sử dụng toàn bộ diện tích đó. Năm 2004, ông Long quay về quê hương đặt vấn đề với ông Lô, bà Vân xin trông nom diện tích nhà cũ, trên diện tích 200m2 để làm nơi thờ cúng. Ông Lô, bà Vân không đồng ý nhưng nể tình vợ chồng nên cho phép ông Long đi lại, tạm trú tại địa chỉ này. Ngày 1-8-2004, ông Long có đơn khiếu nại quyền sử dụng đất gửi UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Tả Thanh Oai yêu cầu ông Lô, bà Vân chia tài sản thừa kế tương ứng với 400m2 đất, trên đó có căn nhà đã chuyển nhượng cho bà Vân. Bắt đầu từ đây phát sinh tranh chấp giữa ông Long và gia đình ông Lô, bà Vân. Sau khi hòa giải không xong ở cấp cơ sở, gia đình ông Lô, bà Vân và ông Long đã phải ra tòa để giải quyết quyền lợi giữa các bên. Ngày 29-1-2013, Tòa án nhân dân TP Hà Nội( tòa sơ thẩm) đã ban hành bản án số 04/2013/DS-ST về việc: Hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, chia tài sản chung và đòi nhà. Tuy nhiên, sau khi bản án được ban hành, gia đình ông Lô, bà Vân đã phản đối quyết liệt vì cho rằng bản án thiếu khách quan và trái pháp luật nên ông Lô, bà Vân có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tối cao( tòa phúc thẩm) đề nghị được xét xử lại.
Theo sự đánh giá, phân tích đối với Bản án số 04/2013/DS-ST của TAND TP Hà Nội, luật sư Đặng Anh Đức, Văn phòng luật sư Đặng và Cộng sự nhận định:
Sau khi hai vợchồng cụ Đại mất, giữa những người thừa kế là ông Nguyễn Xuân Long và bà Nguyễn Thị Vân đã có sự phân chia về việc sử dụng, định đoạt di sản thừa kế của hai cụ. Ngày 29-4-1985, ông Long thỏa thuận với bà Vân về việc chuyển giao, sử dụng phần tài sản này, bà Vân phải trả cho ông Long số tiền là 20.000 đồng để được định đoạt toàn bộ tài sản này. Giao dịch này giữa ông Long và bà Vân là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật. Thực tế, giao dịch này đã được các bên thực hiện, bà Vân đã quản lý, sử dụng ổn định, liên tục tài sản này. Chồng bà Vân là ông Nguyễn Văn Lô đã ký, sử dụng đất theo quy định của Nhà nước và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng Đơn chuyển nhượng nhà năm 1985 không nêu địa chỉ, không nêu rõ diện tích đất, không báo cáo chính quyền địa phương nên trong quá trình xét xử, Tòa án đã công nhận một thỏa thuận khác giữa các bên là biên bản họp gia đình vào ngày 16-3-1997 làm cơ sở để chia tài sản theo yêu cầu của ông Long. Rõ ràng, quan điểm của Tòa án là chưa thuyết phục, bởi lẽ: Trong quá trình xét xử, nguyên đơn đã thừa nhận việc nhượng đất là có và thực tế các bên có thể xác định được tài sản nhượng này do chỉ có một căn nhà duy nhất trên thửa đất ở thời điểm đó. Biên bản họp gia đình năm 1997 không có cơ sở pháp lý để công nhận hợp pháp( Biên bản họp có nêu rõ thành phần họp nhưng lại không đầy đủ chữ ký của người tham gia; Vào thời điểm ký biên bản, ông Lô là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được nhà nước công nhận hợp pháp nhưng nội dung phân chia tài sản không thể hiện sự đồng ý của ông Lô).
Việc Tòa án sử dụng Biên bản họp gia đình làm căn cứ chính cho việc chấp nhận yêu cầu chia tài sản của ông Long mà chưa đánh giá đầy đủ giá trị pháp lý của đơn nhượng nhà năm 1985 là chưa khách quan.
Việc bà Nguyễn Thị Yến đã có hai lần chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Lô, bà Vân trước đây. Việc chuyển nhượng này có anh Quý( là con trai bà Yến) biết và anh đã gửi văn bản xác nhận làm chứng để điều tra, xác minh. Việc này đã dẫn đến Tòa án xác định không đúng tổng diện tích đất nêu trong yêu cầu của đương sự và xác định sai số án phí mà đương sự phải nộp.
Trong quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn có cung cấp cho Tòa án tài liệu là Giấy giao quyền sử dụng đất và Giấy giao quyền sử dụng nhà và đất thổ cư lập ngày 12-7-2007. Tòa cũng đánh giá các văn bản này là phù hợp, không mâu thuẫn… Tuy nhiên, phía bị đơn cho rằng, những tài liệu đó do phía nguyên đơn cung cấp có dấu hiệu giả mạo chữ ký và chữ viết nên đã yêu cầu Tòa án giám định nhưng không được chấp thuận. Việc Tòa án không tiến hành giám định khi đương sự có yêu cầu là chưa đảm bảo quyền lợi của đương sự, có thể dẫn đến những quyết định không phù hợp với thực tế khách quan, thậm chí trái pháp luật.
Trên cơ sở phân tích một cách khách quan các vấn đề nêu trên, Chúng tôi cho rằng, Bản án do Tòa án số 04/2013/DS-ST ngày 29/01/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn một số điểm chưa mang tính thuyết phục và cần xem xét lại cho phù hợp với các tình tiết và bối cảnh thực tế của Vụ án.
Quốc Hưng