Chính quyền mới của Li-bi cũng không thể không đối mặt với "một cuộc chiến mới" vô vàn khó khăn trong hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Cái chết của ông Ca-đa-phi đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến ở Li-bi, song về cơ bản, toàn bộ vấn đề đặt ra do cuộc can thiệp quân sự của NATO vào quốc gia Bắc Phi này "vẫn không được giải quyết". Đó là thảm họa nhân đạo. Hiện tại, các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều thường dân trong tình trạng bị thương nặng, suy kiệt vì bị kẹt giữa hai làn đạn. Tình hình ở Xơ-tê cũng như một số khu vực của đất nước cũng không mấy khả quan.

Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy đất nước này đang đối mặt với một thời kỳ bất ổn mới. Trước và sau cái chết của ông M.Ca-đa-phi, "mọi niềm hy vọng và mọi câu hỏi vẫn không thay đổi". Các nhà phân tích cho rằng, ông M.Ca-đa-phi có thể là chất kết dính giúp tăng cường sự thống nhất của phe chống đối, nhưng chất kết dính đó nay không còn nữa. Một đất nước Li-bi với nhiều sắc tộc và bộ lạc sẽ khó tránh khỏi xung đột và mâu thuẫn; đây là thách thức đối với NTC. Các nhà lãnh đạo mới của Li-bi với nhiều thành phần có những tư tưởng đối ngược nhau sẽ là khó khăn đối với một chính phủ mới hợp nhất. Nếu không cân bằng và hài hòa giữa các lợi ích, nhất là giữa chính quyền mới và những thế lực còn lại của chế độ cũ thì khó tránh khỏi nguy cơ nội chiến.

Điều được trông đợi với chính phủ mới của đất nước có nhiều bộ lạc trong bối cảnh hiện nay là sự đoàn kết và hòa giải dân tộc. Nhưng trớ trêu, điều này lại giống như vị thuốc quý, khó tìm. Mặc dù chiến đấu cùng nhau suốt nhiều tháng, nhưng các lực lượng của NTC sẽ khó có sự phối hợp hiệu quả khi hòa bình trong tầm tay. Các vụ "bắn nhầm" luôn xảy ra khiến các chiến binh của lực lượng này có lúc đã xung đột sâu sắc. Đoàn kết nội bộ của các tay súng NTC vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Một vòng xoáy xung đột chính trị, giành quyền lãnh đạo đang diễn ra trong nội bộ NTC. Người ta lo ngại đất nước Li-bi thời hậu M. Ca-đa-phi có nguy cơ rơi vào một cuộc tranh giành quyền lực giữa các bộ tộc cũng như các nhân vật tự do...

Từ bài học I-rắc, tám năm sau khi kết thúc cuộc chiến, quốc gia vùng Vịnh này vẫn chìm trong bạo lực bởi sự chia rẽ giữa các phe phái, sắc tộc. Đối với Li-bi, dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có đi vào "vết xe đổ" của I-rắc bởi cái chết của ông Ca-đa-phi không làm giảm mối đe dọa bạo lực; nó nhắc người ta nhớ tới cựu Tổng thống I-rắc X.Hu-xen. Việc ông X.Hu-xen bị bắt giữ rồi bị hành quyết đã không những không thể "dập tắt" lực lượng nổi dậy ở I-rắc, mà còn thổi bùng nỗi hận thù của người Hồi giáo dòng Xăn-ni thành các vụ tiến công khủng bố.

Dù sứ mệnh NATO giúp lực lượng của NTC lật đổ chế độ ở Li-bi đã kết thúc, song vấn đề khẩn cấp là phải giải giáp vũ khí và thực hiện tiến trình dân chủ ở nước này. NATO lo ngại khoảng mười nghìn quả tên lửa đất đối không hiện còn mất tích ở Li-bi và trách nhiệm của chính quyền mới là phải bảo đảm số vũ khí này không rơi vào tay các phần tử khủng bố. Trong khi đó, sau gần bảy tháng chiến tranh, nền kinh tế Li-bi vô cùng khó khăn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Để khôi phục sản lượng dầu mỏ khoảng 1,6 triệu thùng/ngày của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba châu Phi này sẽ phải mất một thời gian dài. Một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ mới còn là làm thế nào để bảo vệ ngành dầu mỏ nước này, khi "miếng bánh" dầu mỏ được mang ra chia. Chính quyền mới của Li-bi sẽ không tránh khỏi đau đầu trong việc "trả công" những quốc gia đã "tích cực" tham gia cuộc chiến và hẳn sẽ khó có thể thỏa mãn và làm hài lòng tất cả.

Cuộc chiến Li-bi dẫu đã hạ màn trên bình diện quân sự đối kháng sau cái chết của một thủ lĩnh; nhưng xem ra điều đó chưa thể ngay lập tức mang lại sự ổn định và thịnh vượng như mong muốn của người dân quốc gia Bắc Phi này. Do vậy, dư luận mong muốn tình hình Li-bi sớm ổn định, nhân dân Li-bi được sống trong hòa bình để có điều kiện tái thiết và phát triển đất nước.

Tuấn Minh