CCB Vũ Đình Hồng phát biểu tại hội nghị do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức

CCB Vũ Đình Hồng trở về đời thường với khát vọng xây dựng đất nước bằng con đường kinh tế. Từ một xưởng sửa chữa nhỏ, ông đã gây dựng nên Công ty cổ phần Cơ khí Chính xác Thăng Long - doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

Nhập ngũ tháng 1-1980, ông Vũ Đình Hồng (quê ở T.P Hà Nội) bắt đầu quân ngũ tại Nhà máy Thông tin M2 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - đơn vị tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày nay.

Trong những năm phục vụ quân đội, ông Hồng đã tham gia cải tiến vũ khí, tiếp viện khí tài cho tiền tuyến. Với tinh thần kỷ luật và không ngừng phấn đấu học hỏi rèn luyện, ông vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và Chiến sĩ Thi đua suốt 8 năm liền.

Năm 1988, ông được cử đi học nâng cao tại Cộng hòa Séc. Sau ba năm học tập và trau dồi kiến thức ở nước bạn, ông trở về đơn vị với hành trang là vốn hiểu biết mới và khát vọng đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Tuy nhiên, đến năm 1994, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Hồng quyết định rời quân ngũ, trở về địa phương, mang theo những hoài bão lớn về phát triển kinh tế.

Khởi đầu hành trình lập nghiệp, ông Hồng mở một xưởng sửa chữa cơ khí nhỏ mang tên “Trạm sửa chữa Chính Xác”. Dù khởi điểm khiêm tốn, nhưng bằng tư duy đổi mới, tinh thần cầu tiến và sự nhạy bén trong thời kỳ hội nhập, ông từng bước đưa cơ sở của mình chuyển mình mạnh mẽ.

Từ lao động thủ công, ông đầu tư cải tiến công nghệ, chuyển sang mô hình sản xuất công nghiệp hiện đại, tăng năng suất, giảm chi phí, đồng thời tạo ra những sản phẩm cơ khí chất lượng cao, theo khẩu hiệu ông đặt ra: “Chất lượng ngoại, giá thành nội”.

Sự sáng tạo không ngừng đã đưa sản phẩm của ông góp mặt trong nhiều công trình trọng điểm cấp quốc gia. Tiêu biểu là những cột trụ đứng trên nóc nhà bàn tại Côn Đảo và 26 đảo nhỏ ở Trường Sa - đến nay sau hơn 30 năm vẫn giữ nguyên chất lượng, như một biểu tượng bền bỉ cho sức mạnh và niềm tự hào dân tộc.

Công ty cổ phần Cơ khí Chính xác Thăng Long do ông sáng lập đã mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm cơ khí sang hơn 10 quốc gia, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Với tầm nhìn chiến lược, năm 2017, ông Hồng dẫn dắt doanh nghiệp đồng hành cùng Viettel trong dự án đầu tư tại Myanmar với thương hiệu Mytel. Chỉ 6 tháng, hai nhà máy lớn đã đưa vào vận hành - một bước đi thần tốc, minh chứng cho sự quyết đoán và năng lực điều hành của người đứng đầu.

Không chỉ là doanh nhân thành công, CCB Vũ Đình Hồng còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông giữ nhiều vị trí như Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó chủ tịch Hội CCB địa phương, thành viên Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Cơ khí và là thành viên T.Ư Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, ông còn tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương, tiêu biểu là việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nay bước sang tuổi ngoài 60, doanh nhân - CCB Vũ Đình Hồng vẫn miệt mài rong ruổi theo các công trình, dự án. Ở ông là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần đổi mới sáng tạo của một nhà doanh nghiệp và bản lĩnh, nghị lực của người lính Cụ Hồ.

Hoàng Linh