Trong những năm vừa qua, có hàng chục nghìn giáo viên và nhân viên y tế đã rời bỏ lĩnh vực công để đến với lĩnh vực tư. Rời bỏ lĩnh vực công còn có cả một số cán bộ, công chức có năng lực từ nhiều Bộ, ngành và các địa phương.

Xét về tổng thể, nguồn nhân lực công bị “chảy máu”, thì nguồn nhân lực tư sẽ được “tiếp máu”. Nếu đây là một sự luân chuyển để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực của quốc gia, thì lợi ích tổng thể của đất nước vẫn có thể được tăng cường. Tuy nhiên, nếu việc rời bỏ lĩnh vực công trở thành xu thế, đặc biệt khi người tài tìm cách rời bỏ lĩnh vực công ngày một nhiều hơn, thì chảy máu nhân lực công có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng của đất nước.

Có nhiều lý do tại sao chảy máu nhân lực công có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Dưới đây là một vài lý do giải thích tại sao.

Trước hết, có một số dịch vụ, hàng hóa công (pubic goods) vô cùng quan trọng mà chỉ có lĩnh vực công mới cung cấp được. Đó là trật tự, pháp luật, an ninh, an toàn, công lý, ổn định kinh tế vĩ mô…

Thứ hai, có nhiều hàng hóa dịch vụ rất cần thiết cho người dân, nhưng rất khó kinh doanh có lời, ví dụ như đèn chiếu sáng công cộng; tiện ích đường phố, tín hiệu giao thông; dự báo khí tượng… Do khó tìm kiếm lợi nhuận, nên lĩnh vực tư sẽ không có động lực đứng ra cung cấp. Lĩnh vực công vì vậy phải đảm nhận việc cung cấp này.

Thứ ba, lĩnh vực công là rất quan trọng trong việc bảo đảm công bằng xã hội. Để những người nghèo, những người có thu nhập thấp vẫn được tiếp cận bình đẳng đối với những dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục…, thì lĩnh vực công phải đảm nhận phần lớn việc cung cấp các dịch vụ này. Lĩnh vực công sẽ bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp cho mọi người dân. Lĩnh vực tư chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ cho những người giàu, những người khá giả.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm lịch sử, nhà nghiên cứu Fransis Fukuyama đã chỉ ra rằng bất kể mô hình thể chế nào, bất kể thời kỳ lịch sử nào, một quốc gia sẽ trở nên hùng mạnh nếu quốc gia đó có bộ máy công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi. Đây là những người đứng ra vận hành thể chế và vận hành quyền lực công. Và họ là phần cấu thành hết sức quan trọng của nhân lực công.  

Để giải bài toán chảy máu nhân lực công, chúng ta phải biết được các nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Một nghiên cứu khoa học khách quan và công phu là rất cần thiết ở đây. Tuy nhiên, một vài nguyên nhân rất dễ dàng nhận biết.

Nguyên nhân đầu tiên là lương trong lĩnh vực công là thấp. Trong lĩnh vực công, mức lương cơ sở hiện nay chỉ là 1,8 triệu đồng/tháng; mức lương cao nhất là  23,4 triệu đồng/tháng. Trong lĩnh vực tư, mức lương tối thiểu cho vùng I là 3,6 triệu đồng/tháng; vùng IV là gần 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng mức lương tối đa của lĩnh vực tư là không có giới hạn. Những người tài, những người có năng lực được trả lương rất cao. Nhiều người thậm chí được trả lương tới hàng trăm triệu đồng/tháng, thậm chí cả tỷ đồng/tháng. Quả thực, mức chênh lệnh ở đây giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư là vô cùng lớn.

Nguyên nhân thứ hai, là môi trường thế chế cho sự đột phá, sự sáng tạo trong lĩnh vực công là rất nhỏ hẹp. Do bị điều chỉnh bởi “1001” các quy định của pháp luật, nên không gian thể chế cho lĩnh vực công là rất hẹp. Công cuộc phòng, chống tham nhũng lại đang tạo ra áp lực rất lớn bắt buộc nền công vụ phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Vì vậy, không gian thể chế của lĩnh vực công lại càng bị thu hẹp. Muốn sáng tạo, muốn đột phá thì khuyến khích là rời bỏ lĩnh vực công để đến với lĩnh vực tư.

Nguyên nhân thứ ba là việc sử dụng nhân lực ở lĩnh vực tư linh hoạt hơn nhiều. Trong lĩnh vực tư, người tài có thể được phát hiện và đề bạt ngay lập tức và cũng có thể bị chuyển đổi ngay lập tức nếu không phù hợp. Trong lĩnh vực công, các quy định về tiêu chuẩn, về quy hoạch, về quy trình, thủ tục là rất phức tạp. Rủi ro là có năng lực, nhưng không được quy hoạch thì vẫn không thể được đề bạt. Chính vì vậy, người tài khó phấn đầu hơn trong lĩnh vực công. Ngoài ra, trong lĩnh vực tư, áp lực phải lựa chọn và cất nhắc cho được người tài lớn hơn trong lĩnh vực công. Những người chủ các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình ngay lập tức, nếu họ không chọn, không đề bạt đúng người tài.

Nguyên nhân thứ tư là nhiều ưu tiên, ưu đãi của lĩnh vực công đã bị xóa bỏ. Ví dụ, chế độ biên chế suốt đời đã bị thu hẹp. Hiện nay, chỉ còn cán bộ, công chức có biên chế suốt đời. Các viên chức không còn được hưởng chế độ này nữa. Hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc vừa rồi chính là những viên chức. Họ là lực lượng đông đảo nhất của nguồn nhân lực công. Ngoài ra, một số chế độ, chính sách khác như được phân nhà, phân xe; được đi nghỉ dưỡng, được khám chữa bệnh… cũng đã bị thu hẹp hoặc cắt giảm.

Nguyên nhân thứ năm là danh dự và uy tín xã hội của lĩnh vực công bị suy giảm. Uy tín xã hội như là một thế mạnh của lĩnh vực công đang bị suy giảm rất nghiêm trọng. Sự kém hiệu năng, thái độ nhũng nhiễu của không ít cán bộ, công chức đã làm tổn hại rất lớn đến hình ảnh công chúng của lĩnh vực công. Thêm vào đó, khi hàng trăm, hàng nghìn quan chức cao cấp bị bắt, bị trừng phạt vì tham nhũng thì hình ảnh công chúng của lĩnh vực công cũng không thể không bị ảnh hưởng. Quả thực, mất đi sự tôn trọng của công chúng là mất đi một nguồn động lực rất lớn để cống hiến trong lĩnh vực công.

Để ngăn chặn xu hướng rời bỏ lĩnh vực công, chúng ta phải tìm cách xử lý cả 5 nguyên nhân nêu trên.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng