Nghe tin anh Nguyễn Ngọc Dậu ở thôn Mộ Thượng, phường Bạch Hạc, T.P Việt Trì, tỉnh Phú Thọ làm việc thiện liên quan đến nghĩa tình đồng đội từ những năm tháng chống Mỹ trên dải Trường Sơn hùng vĩ, tôi tìm đến anh vào một buổi sáng mùa hè nóng nực. Chuyện chiến đấu thì nhiều, nhưng tình đồng đội lại có những kỷ niệm sâu nặng khó phai mờ.
Chuyện rằng, anh Dậu làm trợ lý quân lực Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 25. Đơn vị có anh Ngô Dương Ngải cùng đồng hương Phú Thọ. Thế rồi trở nên thân nhau như ruột thịt. Ngải hiền lành, chất phác nhưng khi vào trận mạc tỏ ra gan dạ khí phách. Trong một trận đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng ở Cẩm Ga đi Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, hai người nằm chung căn hầm chờ địch. Bao nhiêu chuyện nhà, chuyện riêng tư đều bộc bạch tâm sự: “Hết chiến tranh, chúng mình còn sống về lập gia đình nếu có con sẽ là thông gia của nhau…”.
Vào chiến dịch Tây Nguyên, cả Dậu và Ngải đều chuyển về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn đặc công 198. Mở màn chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột và kho Mai Hắc Đế, rạng sáng ngày 10-3-1975, đơn vị đã làm chủ sân bay và kho Mai Hắc Đế, chốt chặn hoàn toàn mục tiêu để Sư đoàn 316 và các đơn vị khác tiến công giải phóng Tây Nguyên. Trong khi chiếm giữ kho Mai Hắc Đế, Ngải bị thương nặng, được chuyển về phẫu của Trung đoàn. Do vết thương quá nặng, lại mất máu nhiều nên Ngải đã hy sinh. Anh Dậu cùng đồng đội chôn cất và báo cáo về Trung đoàn.
Hết chiến tranh, Nguyễn Ngọc Dậu có dịp vào các nghĩa trang Tây Nguyên tìm anh ruột. Cũng từ các nghĩa trang này, anh Dậu kịp ghi vào sổ tay các liệt sĩ là đồng đội cùng đơn vị, trong đó có mộ Ngô Dương Ngải quê xã Quanh Minh, huyện Mê Linh. Anh gửi thư cho gia đình Ngô Dương Ngải. Cụ Đỗ Thị Liêu - mẹ liệt sĩ Ngải vui mừng khôn xiết, thư lại cho anh Dâu. Rồi một ngày, anh Dậu bảo con trai đầu là Nguyễn Trung Dũng đang công tác tại Công ty Honda Việt Nam ở tỉnh Vĩnh Phúc đưa anh đến thăm cụ và gia đình.
Đến nhà cụ có bà Ngô Thị Hiền, là con đầu của cụ. Bà được 8 người con cả trai, gái. Sáu người đã có gia đình riêng, công ăn việc làm ổn định. Còn cô thứ bảy và cô út chưa có chồng.
Ngôi nhà đơn sơ của vùng quê nghèo. Trên ban thờ có di ảnh anh Ngải. Bên dưới có bằng “Tổ quốc ghi công”. Cụ Liêu cảm động nước mắt ràn rụa khi gặp Dậu, đồng đội của con mình may mắn còn về được. Anh Dậu thắp hương cho Ngải. Hình ảnh của Ngải cứ ùa về, hiện lên trong những trận đánh trên đường 14 Cẩm Ga. Ngải bị thương khi cứu một cháu bé đang quằn quại bên xác tên ngụy. Dậu và anh giao cháu bé cho Đội công tác H5, rồi đưa ngải về phẫu Trung đoàn, điều trị. Khi ra viện về đơn vị Ngải lại đi chiến đấu ở Buôn Hồ, Hà Lan 1, Hà Lan 2, Hà Lan 3… thế là Ngải không về. Không thực hiện được lời hứa khi hai đứa trở về nếu có con sẽ gả cho nhau!
Bên mâm cơm thân mật có đầy đủ ba thê hệ cụ Liêu, bà Hiền, cháu ngoại, hai bố con anh Dậu, cô Nhuần - cháu gái út gọi liệt sĩ Ngải bằng cậu ruột. Dũng, con trai anh Dậu liếc nhìn Nhuần như có gì hẹn ước từ người cậu sắp đặt. Anh Dậu có lời xin bộc bạch nói ra từ ngày anh em còn chung căn hầm chờ giặc. Cụ Liêu ưng ý. Bà Hiền cũng thuận. Qua ánh mắt và thi thoảng liếc nhìn Dũng, có nghĩa là Nhuần đã ưng. Dũng và Nhuần thắp hương cúng gia tiên, cúng cậu phù hộ cho hai đứa nên vợ nên chồng.
Thấy ngôi nhà của cụ Liêu tuềnh toàng đơn sơ, anh Dậu làm đơn đề nghị chính quyền địa phương; báo cáo Bộ Tư lệnh Đặc công và Đoàn đặc công 113 ở thị xã Phúc Yên hỗ trợ, giúp đỡ xây Nhà tình nghĩa cho cụ. Ngày khánh thành nhà cũng là ngày cưới hai cháu. Một kỷ niệm đáng nhớ trùng khớp 8 năm Ngày thành lập Binh chủng (19-3-1967 - 19-3-1975), chỉ còn 1 tháng 11 ngày miền Nam được giải phóng mà Ngải không được hưởng đất nước trọn niềm vui. Và cũng ngày này 33 năm sau, đưa cháu của ông trẻ Ngải ra đời.
Người chẳng còn. Lời hứa vẫn thực hiện. Tình nghĩa đồng đội vẫn vẹn tròn. Anh Dậu coi đây là cái kết có hậu của nghĩa tình đồng đội.
Đinh Đăng Minh