Sau 42 năm thờ phụng, bà Lê Thị Thơi cuối đời lại vui mừng đón người con trai trở về.
42 năm trôi qua, người mẹ Lê Thị Thơi năm nay đã 90 tuổi chẳng bao giờ nghĩ sẽ còn được gặp lại người con trai đã được bà thờ phụng 42 năm qua. Sự trở về của liệt sĩ Nguyễn Duy Phổ (sinh năm 1958, quê Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) là điều bất ngờ đan xen niềm vui vô bờ bến của người thân, xóm giềng nơi đây. Nhưng việc giải quyết lại thủ tục cho ông vẫn còn ở phía trước.
Bị thương bên bờ suối và đãng quên trí nhớ hơn 40 năm
Người trở về sau 42 năm được thờ phụng là ông Nguyễn Duy Phổ, quê xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai), tỉnh Nghệ An được xem là kỳ tích hiếm thấy.
Qua lời kể của gia đình và bà Châu Bích Huệ là người đã đưa ông Nguyễn Duy Phổ trở về quê sau 42 năm mất tích:
Tháng 2-1978, khi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam diễn biến khốc liệt thì ông Nguyễn Duy Phổ nhập ngũ và tháng 6-1978, ông được điều động sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế.
Năm 1979, ông bị thương mất trí nhớ trong trận chiến đấu tại huyện Ca Rong Năng, tỉnh Com Pong Chàm, Campuchia và mất liên lạc với đơn vị từ đó. Đơn vị cho là ông đã hy sinh và báo tin báo về gia đình. 42 năm trôi qua, tấm di ảnh cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công vẫn được gia đình hương khói cho ông Nguyễn Duy Phổ. Còn người vợ của ông cũng đã về ngoại, không lấy chồng mà chỉ sinh một đứa con rồi ở vậy thờ chồng.
Ông được hai cô cháu phụ nữ người Việt lấy chồng Campuchia tên là Ba Cheét và Châu Bích Huệ phát hiện bị thương bên bờ suối, đón về chữa trị. Sau hơn 7 tháng, ông Phổ khỏe dần, nhưng không nhớ thông tin gì, từ tên họ, quê quán, đến đơn vị. Thấy ông Phổ sức khỏe yếu đi nhiều do vết thương nên bà Ba Cheét đã lên xin chính quyền giữ lại làm con nuôi và đặt cho ông tên mới là Nguyễn Văn Hùng. Rồi bà Ba Cheét mai mối cưới vợ cho ông với một cô gái địa phương và sinh được một người con trai.
Năm 1980, nhận tin mẹ ruột mất, bà Huệ chia tay ông Phổ và cô Ba Cheét trở về tỉnh An Giang mai táng cho mẹ rồi ở lại quê sinh sống luôn. Những năm sau, trí nhớ ông Phổ dần hồi phục, nên mỗi lần bà Huệ sang thăm người cô (bà Ba Cheét) thì bà góp nhặt thông tin về tung tích và ảnh của ông Phổ đem về quê nhờ người hỏi giúp.
Đầu năm 2020, bà Huệ một lần nữa quay trở lại Campuchia, lúc này ông Phổ nhớ thêm được nhiều thông tin hơn về quê quán, nên bà quyết tâm đưa ông Phổ về Việt Nam để tìm quê hương, người thân. Những thông tin chắp nối từ trí nhớ của ông Phổ thì quê quán của ông ngày càng rõ ràng. Bà Huệ quyết định mượn tiền thuê xe đưa ông Phổ về quê Nghệ An, với hi vọng sẽ tìm được người thân.
Cuối đời đón niềm vui con trai trở về
Cuối cùng điều kỳ diệu đã đến. Khi ông Phổ vừa đặt chân đến nhà, tất cả người thân, bà con xóm giềng đã không tin vào mắt mình, người mẹ già của ông năm nay 90 tuổi vỡ òa khóc ôm chầm lấy người con trai mà đã 42 năm nay bà vẫn thắp hương làm giỗ bởi như thông báo của Quân đội là anh đã hy sinh. Mặc dù con trai không được nhanh nhẹn, minh mẫn lắm, nhưng với bà Lê Thị Thơi, còn được gặp đứa con trai của mình bằng da bằng thịt là điều kỳ diệu với bà.
Sau khi trở về, gia đình đưa ông Phổ trình diện chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương đến thăm hỏi, đón niềm vui cùng gia đình ông Phổ. Ông Vũ Văn Từ - Chủ tịch phường Quỳnh Xuân cho biết: “Sau khi anh Phổ trở về, chúng tôi đến chúc mừng, thăm hỏi gia đình. Cán bộ chính sách địa phương lấy thông tin làm văn bản báo cáo cấp trên để điều chỉnh chính sách phù hợp”.
Thượng tá Lê Xuân Quỳnh - Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Hoàng Mai cho biết: “Sau khi có thông tin, chúng tôi đã cử cán bộ về làm việc với địa phương và ông Phổ để nắm thêm thông tin và báo cáo gửi lên Bộ CHQS tỉnh Nghệ An. Các bước tiếp theo Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục làm việc”.
Bài và ảnh: Xuân Hòa