Phó Tổng Thư ký LHQ và Tổng Giám đốc Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Babatunde Osotimehin, nhấn mạnh phụ nữ nông thôn hiện vẫn ở vị thế thấp và bị hạn chế quyền tự quyết nên có nguy cơ rất cao về bạo lực giới, đói nghèo và những vi phạm quyền con người khác.

Vì vậy, LHQ tái khẳng định cam kết việc thúc đẩy đảm bảo bình đẳng giới, quyền con người và phẩm giá, đặc biệt đối với phụ nữ nông thôn. Tăng cường vị thế chính trị, kinh tế xã hội của phụ nữ là cứu cánh cho chính họ cũng như là chiến lược quan trọng để xóa đói nghèo, thúc đẩy quyền của phụ nữ, mở đường cho phát triển bền vững. Cải thiện sức khỏe giới và sức khỏe sinh sản là các điều kiện quan trọng để trao quyền cho phụ nữ và phát huy năng lực tiềm tàng của phụ nữ nhằm tạo thu nhập nuôi sống họ và gia đình.

Quỹ Quốc tế của LHQ về phát triển nông nghiệp (IFAD) nhấn mạnh, đối với phụ nữ nông thôn, bình đẳng cần bắt đầu từ các gia đình. Các tổ chức và các chương trình phát triển nông thôn cần nhanh chóng chuyển các nỗ lực trao quyền cho phụ nữ từ cơ sở cộng đồng sang cơ sở hộ gia đình để đảm bảo cho phụ nữ quyền tiếp cận thị trường, nguồn tín dụng, đất đai, bất động sản, công nghệ mới, tham gia cải thiện an ninh lương thực và chia sẻ thu nhập và lợi ích từ lao động của họ.

Để đạt được mục tiêu đưa 80 triệu phụ nữ trên thế giới thoát khỏi đói nghèo vào năm 2015, IFAD đang nỗ lực nâng cao địa vị của phụ nữ ở nông thôn không chỉ trong cộng đồng mà đặc biệt trong các hộ gia đình. Đường lối này đã đem lại những thành tựu lớn và thiết thực đối với phụ nữ nông thôn. Chnẳg hạn phụ nữ nông thôn đã được thực thi quyền kiểm soát đất đai, các nguồn tài nguyên và tiếp cận các dịch vụ tín dụng nông nghiệp, tham gia quyết định về nguồn thu và chi trong gia đình. Cải thiện quan hệ giới ở cấp độ hộ gia đình cũng đem lại lợi ích ở cấp cộng đồng. Bạo lực giới thường gắn với quyền thu chi trong gia đình đã giảm mạnh ở các khu vực nông thôn châu Á và châu Phi thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp gia đình.

Cao Thúy